Khuyến cáo: Tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tại các bệnh viện

KHUYẾN CÁO TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI CÁC BỆNH VIỆN
(Ban hành kèm theo công văn 9790/SYT-KHTH ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Sở Y tế)

  1. Tăng cường triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế là trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, tuân thủ những quy định về an toàn lao động là trách nhiệm của mỗi nhân viên bệnh viện. Thành lập ban/tổ an toàn môi trường của bệnh viện với các hoạt động thiết thực, bao gồm: xây dựng môi trường bệnh viện văn minh và thân thiện hướng đến sự hài lòng của người bệnh; triển khai các hoạt động đảm bảo môi trường lao động an toàn cho nhân viên y tế theo quy định (Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016).
  2. Liệt kê những nguy cơ gây mất an toàn có thể xảy ra gây nguy hiểm cho nhân viên bệnh viện trên cơ sở thực trạng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị,…và đặc thù hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của từng khoa phòng. Tương ứng với mỗi nguy cơ, bệnh viện xây dựng và ban hành những quy định, quy trình phòng ngừa và phổ biến đến từng nhân viên. Ban/tổ an toàn an toàn môi trường và các trưởng khoa, phòng chức năng có trách nhiệm triển khai thực hiện, đồng thời giám sát việc tuân thủ của nhân viên bệnh viện.
  3. Tổ chức giao ban định kỳ chuyên đề về an toàn lao động, nội dung tập trung vào phản hồi kết quả giám sát của bệnh viện về việc tuân thủ quy định an toàn lao động của nhân viên các khoa, phòng và lắng nghe những đề xuất, kiến nghị. Tiến hành khảo sát sự hài lòng của nhân viên y tế, trong đó có nội dung về hoạt động đảm bảo an toàn cho nhân viên, ít nhất một năm một lần. Căn cứ vào kết quả giao ban chuyên đề và khảo sát hài lòng nhân viên, bệnh viện chủ động có kế hoạch triển khai và củng cố các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế ngày càng hiệu quả hơn.
  4. Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện, bao gồm: (1) phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an địa phương, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa bệnh viện và chính quyền địa phương, định kỳ và đột xuất có sơ kết rút kinh nghiệm; (2) bố trí đủ các phương tiện và thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác an ninh trật tự trong bệnh viện nhằm chủ động phát hiện và xử lý tình huống; (3) củng cố, tăng cường năng lực chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng bảo vệ, duy trì và nâng cao hiệu quả tổ chuyên trách và mạng lưới an ninh trật tự đến từng khoa phòng trong bệnh viện; (4) xây dựng quy trình xử lý và diễn tập tình huống khi sự cố an ninh trật tự xảy ra.
  5. Phổ biến và tổ chức thực hiện khuyến cáo “Triển khai các hoạt động làm giảm bức xúc của người bệnh khi tai biến điều trị xảy ra tại bệnh viện” do Sở Y tế ban hành. Khuyến khích bệnh viện có chuyên gia tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế nhằm chủ động nắm bắt và hỗ trợ nâng đỡ tinh thần cho nhân viên y tế khi gặp phải sự cố ngoài ý muốn làm ảnh hưởng đời sống tinh thần của nhân viên y tế. Khuyến khích bệnh viện nghiên cứu và triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên y tế trên cơ sở thực trạng về sự cố y khoa của bệnh viện và đặc thù chuyên môn của các khoa phòng.
  6. Triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp chính để thực hiện phòng ngừa chuẩn khi nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh, bao gồm: vệ sinh bàn tay, sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân để tránh tiếp xúc với các chất dịch cơ thể và vùng da nhiễm khuẩn của bệnh nhân; đề phòng chấn thương do kim tiêm hoặc các vật sắc nhọn khác, quản lý chất thải y tế; vệ sinh, khử trùng môi trường và các dụng cụ, thiết bị sử dụng…Tổ chức tập huấn định kỳ về thực hành phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường lây lan cho nhân viên y tế, xây dựng các quy trình tiếp nhận, tầm soát, cách ly người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm.
  7. Phổ biến, tập huấn và tập huấn lại quy trình kỹ thuật tiêm an toàn cho tất cả nhân viên y tế, bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên và sinh viên, học sinh đến thực tập tại bệnh viện. Phòng điều dưỡng tăng cường hoạt động giám sát, phản hồi tích cực về tuân thủ của nhân viên y tế với quy trình kỹ thuật tiêm an toàn. Lãnh đạo bệnh viện và khoa phòng thường xuyên nhắc nhở và động viên nhân viên y tế tự nguyện báo cáo khi bị phơi nhiễm do kim tiêm hoặc vật sắc nhọn; quy trình báo cáo bị phơi nhiễm phải đơn giản và thuận lợi cho nhân viên; thực hiện đúng chế độ đối với nhân viên y tế bị phơi nhiễm theo quy định (Thông tư số 09/2005/TT-BYT ngày 28/3/2005).
  8. Khám sức khoẻ định kỳ hàng năm cho nhân viên theo quy định, tổ chức tiêm ngừa viêm gan siêu vi B cho tất cả nhân viên y tế, nên kiểm tra hiệu giá kháng thể 1 đến 2 tháng sau tiêm liều thứ 3 cho nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc nhiều với máu, dịch tiết, nếu có hiệu giá kháng thể thấp hơn 10 mIU/ml thì tổ chức tiêm chủng lại. Tùy theo khả năng nguồn lực của bệnh viện, khuyến khích bệnh viện triển khai tiêm ngừa cúm định kỳ hàng năm cho nhân viên y tế làm việc tại các khu vực hoặc có tiếp xúc nguy cơ cao.
  9. Tổ chức tập huấn, ban hành quy định và giám sát sự tuân thủ của nhân viên bệnh viện về an toàn sử dụng điện. Lắp đặt thiết bị điện phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, hệ thống dây dẫn đảm bảo an toàn trong sử dụng và có thiết bị tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố, bảng hướng dẫn an toàn sử dụng điện, tiết kiệm điện đặt ở những vị trí thuận tiện, dễ thấy. Nhân viên chịu trách nhiệm vận hành thiết bị, bảo trì thiết bị điện được tập huấn về an toàn điện, có chứng chỉ xác nhận về việc đã được tập huấn an toàn sử dụng điện do cơ quan có thẩm quyền cấp.
  10. Tổ chức tập huấn và giám sát sự tuân thủ nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong toàn bệnh viện, bao gồm cả các doanh nghiệp đang tham gia hoạt động cung ứng các dịch vụ tiện ích trong bệnh viện. Nội quy phòng cháy, chữa cháy, biển cấm lửa, tiêu lệnh chữa cháy, sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát hiểm khi có hoả hoạn được niêm yết tại tất cả các khoa, phòng; lối thoát hiểm luôn sẵn sàng, không được khóa, không để vật liệu che chắn; đảm bảo nguồn nước cứu hỏa ở tất cả các khu vực trong bệnh viện. Chủ động phối hợp cảnh sát phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, trong đó có giả định nhiều tình huống khác nhau, cả tình huống cháy lớn phức tạp.
  11. Rà soát và cập nhật nội quy an toàn bức xạ và các quy trình làm việc với thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ theo quy định (Thông tư liên tịch số 13/2014/ TTLT-BKHCN-BYT ngày 9 tháng 6 năm 2014). Chỉ tiến hành các hoạt động khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học có liên quan đến sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Đảm bảo nhân viên bức xạ phải sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân, thiết bị kiểm soát liều và thiết bị kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ cơ thể theo đúng quy định. Định kỳ kiểm chuẩn thiết bị bức xạ, thường xuyên kiểm tra việc rò rỉ tia xạ ra môi trường bên ngoài, xây dựng phương án ứng phó sự cố về an toàn bức xạ.
  12. Rà soát và liệt kê danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động hiện đang sử dụng trong bệnh viện theo quy định (Thông tư số 32/2011/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 11 năm 2011), bao gồm: các thiết bị áp lực có nguy cơ gây nổ như máy nén khí, bình nén khí, bồn chứa oxy lỏng, máy hấp ướt tiệt khuẩn, máy tiệt khuẩn ethylen oxide… Xây dựng nội quy, quy trình sử dụng có nội dung đảm bảo thiết bị trong giới hạn an toàn cho phép cho từng loại thiết bị, định kỳ thực hiện kiểm định theo quy định. Nhân viên vận hành trực tiếp thiết bị áp lực có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được tập huấn và cấp chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.
  13. Thực hiện quan trắc môi trường làm việc theo quy định, bao gồm: quan trắc chất thải rắn y tế, nước thải y tế, khí thải lò đốt chất thải rắn y tế định kỳ mỗi 3 tháng và quan trắc môi trường không khí định kỳ mỗi 6 tháng (Thông tư số 31/2013/TT-BYT ngày 15 tháng 10 năm 2013). Xây dựng môi trường bệnh viện xanh-sạch-đẹp có chương trình hành động với mục tiêu cụ thể, định kỳ có sơ kết đánh giá. Trang phục của nhân viên y tế được cung cấp đầy đủ và được giặt theo quy định.
  14. Khuyến khích các bệnh viện tham quan, học tập và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về tổ chức và triển khai các hoạt động an toàn cho nhân viên y tế hướng đến sự hài lòng và an tâm công tác của nhân viên y tế trong bệnh viện.

Tải về
BAN AN TOÀN MÔI TRƯỜNG – HỘI ĐỒNG QLCL KCB SỞ Y TẾ