Giới thiệu thông tim

Thông tim là gì?
Catheter là các ống thông, có lòng rỗng, được dùng để luồn vào mạch máu đi đến các cơ quan trong cơ thể.

Hình 1: Các loại catheter dùng để chụp mạch vành. Catheter được luồn vào mạch máu đến các cơ quan. Tùy vào đường đi và đặc điểm cấu trúc của cơ quan tiếp cận, mà có các loại catheter khác nhau.
Hình 2: Một loại dây dẫn để luồn bên trong catheter. Dây dẫn (guide wire) được dùng để luồn vào trong lòng catheter, nhằm mục đích bảo vệ thành mạch không bị tổn thương và hướng dẫn đường đi cho các catheter.

Thông tim là kỹ thuật dùng catheter tiếp cận các cấu trúc mạch máu, các buồng tim, các cấu trúc trong cơ thể để:
– Thực hiện các chẩn đoán bất thường cấu trúc và chức năng tim, mạch máu.
– Thực hiện các can thiệp điều trị các bất thường.
Trong quá trình thông tim, BS thực hiện thủ thuật nhờ vào việc quan sát diễn tiến trên màn hình của hệ thống X quang kỹ thuật số.

Hình 3: Trang thiết bị của một phòng thông tim tiêu chuẩn

Trang thiết bị của một phòng thông tim tiêu chuẩn. Gồm (1) bàn nằm của bệnh nhân, (2) hệ thống phát – thu tia X quang, (3) các màn hình hiển thị hình ảnh X quang kỹ thuật số, (4) màn hình hiện thị các thông số huyết động học, ECG liên tục trong quá trình thực hiện thủ thuật, (5) bàn để dụng cụ, (6) hệ thống máy bơm thuốc, (7) hệ thống máy thở, gây mê, (8) máy siêu âm.

Phân loại thông tim

Dựa vào mục đích, thông tim được chia hai loại:
– Thông tim chẩn đoán: Dùng kỹ thuật thông tim để chẩn đoán chức năng của một cơ quan như: đánh giá huyết động học, đánh giá chức năng tim, chức năng mạch máu phổi. Chẩn đoán bất thường cấu trúc: như chẩn đoát các dị tật tim, bất thường cấu trúc mạch máu phổi, mạch máu não, thận, gan…
– Thông tim điều trị: Dùng kỹ thuật thông tim để điều trị các dị tật tim mạch: thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch, nong van động mạch phổi, nong van động mạch chủ, bít tắc các dị dạng mạch máu, nong hẹp đm thận, …
Dựa vào cách tiếp cận, thông tim được chia hai loại:
– Thông tim phải: luồn catheter từ phía tĩnh mạch chủ, tiếp cận các cấu trúc phía tim phải.
– Thông tim trái: luồn catheter từ phía động mạch, tiếp cận các cấu trúc phía tim trái.

Hình 4: Diễn giải thủ thuật bít thông liên nhĩ bằng kỹ thuật thông tim. Catheter sẽ tiếp cận tim từ phía tĩnh mạch chủ (thông tim phải). Catheter được luồn qua lỗ thông liên nhĩ. Dù (một loại dụng cụ đóng thông liên nhĩ, có hình cánh dù) được đưa vào trong tim qua lòng ống catheter. Mở cánh dù bên phải, kéo sát cánh dù vào lỗ thông liên nhĩ, rồi mở cánh dù bên trái bít hết lỗ thông. Rút catheter ra ngoài, để lại dù trong tim.
Hình 5: Diễn giải thủ thuật nong và đặt stent chỗ hẹp mạch máu. Dùng bóng nong chỗ hẹp. Gia cố chỗ hẹp bằng một stent (có dạng lò xo) phòng ngừa tái hẹp

Trang thiết bị thông tim tại Bv Nhi đồng thành phố

Bệnh viện Nhi đồng thành phố có hai phòng DSA, với các trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay:
– Phòng DSA chuyên chẩn đoán và can thiệp tim mạch và thần kinh.
– Phòng DSA tích hợp phòng phẫu thuật (hybrid): chuyên can thiệp các bệnh lý tim mạch phức tạp.

Hình 6: Hệ thống DSA Innova IGS 630 (GE, USA) gồm hai bình diện, cho phép thực hiện được tất cả các thủ thuật can thiệp tim mạch và thần kinh phức tạp.

TS.BS PHAN TIẾN LỢI – TRƯỞNG KHOA NỘI TIM MẠCH
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ