Chó cắn: Hãy dạy con bạn làm thế nào để an toàn!

Hầu hết chó không cắn người. Tuy nhiên, chó có thể cắn người khi cảm thấy bị đe dọa. Trẻ em là nạn nhân thường gặp nhất bị chó cắn. Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ không bao giờ nên để trẻ một mình cùng với chó. Điều quan trọng nhất là phải dạy cho con bạn làm thế nào để tránh bị chó cắn.

Nếu bạn đang tính đến chuyện nuôi một con chó, hãy giành thời gian để tìm hiểu về giống chó bạn muốn nuôi. Để hiểu được tập tính của giống chó mình muốn nuôi bạn nên thảo luận với bác sĩ thú y, đọc sách về giống chó đó, và tìm kiếm thông tin trên mạng internet. Đừng nhận nuôi một con chó theo cách nhìn đơn thuần vẻ bề ngoài của chó.

Bạn đang có con nhỏ, hãy nghĩ đến việc nuôi một con chó con. Đặc biệt cẩn thận nếu con bạn được nuôi dưỡng tại nhà cùng với chó. Những giống chó hiếu chiến không thích hợp để nuôi cùng với trẻ. Những con chó giống đực hiền lành nhìn chung ít tấn công hơn.

Cũng có thể xem xét đến việc đem con chó mới của bạn đến một trường huấn luyện sự nghe lời. Chích ngừa cho con chó của bạn theo lịch đầy đủ. Khám sức khỏe định kỳ cho con chó cưng của bạn bởi một bác sĩ thú y tại địa phương.

Khi bạn nuôi chó trong nhà, bạn phải dạy cho con bạn cách cư xử khi tiếp cận các con chó. Điều này bạn đã chuẩn bị cho con bạn kiến thức khi thấy chó ngoài đường.

Nên dạy gì cho con bạn để tránh bị chó cắn?

  • Không tiếp cận gần những con chó lạ.
  • Không quấy rầy một con chó đang ăn, đang ngủ hoặc đang chăm sóc các con chó con của nó.
  • Báo cho người lớn biết bất kỳ con chó nào bị lạc, đi lảng vảng xung quanh nhà mình.
  • Luôn luôn có người lớn ở gần bên khi con chơi với chó.
  • Không bao giờ trêu chọc con chó.
  • Không bao giờ cưng nựng con chó mà lần đầu tiên chưa cho nó ngửi con.

Con phải làm gì khi có một con chó đến gần?

  • Con không được bỏ chạy và la toáng lên.
  • Đứng im giống như một cái cây, hai tay để hai bên thân người, hai bàn tay áp gần hông lưng.
  • Tránh nhìn trực tiếp vào mắt con chó.
  • Khi con chó hiểu rằng con không phải là mối đe dọa sẽ tự động bỏ đi.
  • Nếu con chó cắn con, phải báo ngay cho người lớn biết.

Nuôi chó có thể là một thú vui nhưng cũng có thể là một vấn đề quan trọng nếu chúng ta không cẩn thận. Luôn luôn dạy trẻ cách cư xử khi tiếp cận với chó. Luôn luôn nhớ rằng chó có thể cảm thấy bị đe dọa bởi những người mới đến hay những người lạ mặt.

Dạy con bạn làm những gì khi bị chó tấn công?

  • Dùng balo, áo khoác hay bất cứ thứ gì trong tầm tay để bảo vệ con khỏi con chó.
  • Nếu con chó vật con ngã xuống đất, hãy cuộn tròn người con lại, đặt hai tay áp sát cổ và lỗ tai, bảo vệ vùng cổ và lỗ tai, tránh tổn thương mạch máu lớn và bị cắn sứt lỗ tai.
  • Nắm chặt bàn tay con lại để bảo vệ các ngón tay.
  • Một khi con chó sao lãng, con hãy di chuyển thật chậm chạp ra xa nó và đến nơi an toàn. Không làm bất kỳ động tác nào một cách đột ngột, làm chó giật mình quay lại tấn công tiếp.
  • Nếu con bị chó cắn, con phải nói cho cha mẹ biết ngay, thậm chí vết thương rất nhỏ.

Cha mẹ nên tiếp xúc với chủ con chó để biết chó được tiêm ngừa hay chưa và đưa con đến gặp nhân viên y tế.
Nếu là chó lạc, chó đi hoang, bạn không biết chủ là ai, bạn nên thông báo với phòng thú y gần nơi bạn cư trú. Họ có thể tìm ra chủ hoặc bắt nhốt lại để khỏi cắn thêm người khác.

Xử lý sơ cứu vết thương bị chó cắn như thế nào?

  • Rửa ngay vết thương chó cắn bằng nước ấm và xà bông.
  • Che phủ bằng một miếng băng sạch.
  • Nếu chảy máu nhiều cần băng ép chặt nơi chảy máu ngay để cầm máu.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất ngay sau khi sơ cứu.
  • Những ngày sau đó vẫn phải theo dõi sát biểu hiện nhiễm trùng: sưng tấy, nóng, đỏ, đau nhức, và trẻ sốt.

Con bạn có thể gặp nguy hiểm gì khi bị chó cắn?
Chó cắn có thể gây cho con bạn nguy cơ bị bệnh dại, uốn ván hoặc nhiễm trùng. Điều này không liên quan đến vết thương nhỏ hay lớn, chỉ một vết trầy da nhỏ cũng có đủ các nguy cơ trên.
Chó cắn vào vùng đầu mặt cổ trẻ thường gặp nhất, do trẻ nhỏ đứng ngang tầm với chó. Vết thương trên mặt trẻ có khi để lại sẹo xấu trên khuôn mặt dù đã được bác sĩ khâu các vết thương kỉ lưỡng.
Khi bị giống chó lớn cắn, vết thương có thể rất sâu, gây tổn thương những mạch máu quan trọng có thể đe doạ tính mạng trẻ (vết cắn ở cổ trúng vào các mạch máu ở cổ).

Sau khi bị chó cắn trẻ cần được xử lý như thế nào?
Khi bạn không thể biết con chó đã được tiêm ngừa bệnh dại hay chưa, con bạn bắt buộc phải tiêm các mũi thuốc ngừa bệnh dại, vì bệnh dại gây chết người và không thể cứu chữa. Mũi tiêm ngừa dại đầu tiên nên bắt đầu ngay sau khi bị chó cắn càng sớm càng tốt.
Nếu trẻ chưa được tiêm ngừa bệnh uốn ván trong vòng 05 năm qua, trẻ cần phải tiêm ngừa 01 mũi thuốc ngừa uốn ván ngay sau khi bị chó cắn.
Nếu vết cắn gây tổn thương nặng cần phải khâu lại vết thương hoặc phải phẫu thuật nếu tổn thương phức tạp hơn.

Tóm lại:

  • Nếu muốn nuôi chó, bố mẹ phải trang bị kiến thức cho chính bố mẹ và con trẻ.
  • Phải thật cẩn thận khi cho trẻ tiếp xúc với chó.
  • Dạy con bạn cách tiếp cận khi muốn chơi với chó và phải biết làm gì khi bị chó tấn công.
  • Khi bị chó cắn dù vết thương nhỏ vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại, uốn ván, nhiễm trùng.
  • Vết thương do chó cắn lớn nhỏ đều để lại sẹo cho trẻ, có thể gây mất thẩm mỹ hoặc thậm chí gây tổn thương nghiêm trọng, nên phải cân nhắc kỉ lưỡng trước khi quyết định nuôi chó cưng trong nhà có trẻ em.

THS BS HUỲNH CAO NHÂN
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ