Cha mẹ đã biết cách sử dụng thuốc ho cho trẻ?

Cha mẹ đã biết cách sử dụng thuốc ho cho trẻ?

Tiếng ho của con trẻ luôn khiến cho các bậc cha mẹ cảm thấy bứt rứt, lo lắng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần hiểu rằng ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại trừ chất đàm nhớt, chất kích thích hay siêu vi ra khỏi đường thở. Nói cách khác, phản xạ ho trong đa số trường hợp mang tính chất bảo vệ. Vì vậy, thuốc ho chỉ nên sử dụng trong trường hợp trẻ ho khan, ho quá mức, gây mệt mỏi, nôn ói, mất ngủ… Dưới đây là một số loại thuốc ho thông dụng và những lưu ý khi sử dụng trên đối tượng trẻ nhỏ.

CÁC THUỐC HO THẢO DƯỢC

Một số chế phẩm siro ho thảo dược phổ biến trên thị trường như: HoAstex, Pectol, Prospan… tương đối an toàn và có thể sử dụng được trên nhiều đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các thành phần tinh dầu trong siro ho có tác dụng gây tê đường hô hấp, đồng thời có tính sát khuẩn nhẹ, vì vậy giúp trẻ giảm ho. Tuy nhiên, cha mẹ cũng lưu ý nếu trong thành phần của siro ho có chứa menthol (hay tinh dầu bạc hà) thì không nên sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi, vì menthol có khả năng gây ức chế hô hấp cho trẻ.

Liều lượng siro tùy thuộc vào từng lứa tuổi và đều có hướng dẫn trong thông tin kê toa. Cha mẹ nên sử các dụng cụ đo lường đi kèm với lọ thuốc như muỗng, cốc có chia vạch để cho bé uống thuốc. Đồng thời, không nên cho trẻ uống trước khi ăn vì hàm lượng đường cao trong siro sẽ khiến trẻ biếng ăn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể sử dụng mật ong để làm dịu cơn ho cho trẻ từ 2 tuổi trở lên (mỗi lần từ 2 đến 5ml). Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mật ong giúp trẻ giảm ho tốt hơn so với các thuốc siro ho khác khi làm giảm nhiều hơn tần số và mức độ ho vào ban đêm. Tuy nhiên, không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 2 tuổi do nguy cơ nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum.

THUỐC KHÁNG HISTAMIN

Là những thuốc có chứa thành phần hoạt chất kháng histamin thế hệ một (như promethazin, alimemazine, hay diphenhydramin…), thường sử dụng để điều trị dị ứng, nhưng cũng có tác dụng giảm ho. Thuốc có thể ở dạng siro (tên biệt dược Théralène, Phénergan), hay ở dạng thuốc nước, thuốc viên. Các siro ho có thể chỉ chứa một thành phần hoạt chất kháng histamin hoặc phối hợp với các thuốc ho, long đàm khác (như trong chế phẩm Atussin, Toplexil…).

Tác dụng phụ hay gặp ở nhóm thuốc này là làm trẻ buồn ngủ, giảm tỉnh táo, ngoài ra còn gây khô miệng, bí tiểu, táo bón… trên trẻ nhỏ, thuốc có thể gây kích động co giật. Vì vậy không nên tự ý sử dụng nhóm thuốc này cho trẻ dưới 2 tuổi mà không có ý kiến của bác sĩ, hoặc lạm dụng tính chất gây ngủ của thuốc cho những trẻ hay quấy khóc trong thời gian dài.

THUỐC TIÊU ĐÀM, LONG ĐÀM

Một số thuốc long đàm hay được sử dụng như acetylcystein, bromhexin hay ambroxol, terpin… Nhóm thuốc này không phải là thuốc ức chế ho, nhưng được sử dụng trong ho có đàm. Thuốc giúp làm giảm độ đặc quánh của đàm nhớt, nhờ vậy mà cơ thể dễ dàng tống xuất đàm nhớt ra khỏi đường hô hấp thông qua phản xạ ho. Vì tác dụng tiêu nhày của nhóm thuốc này nên cần thận trọng khi sử dụng trên trẻ bị loét dạ dày hoặc hen suyễn.

MỘT SỐ LƯU Ý

Một số thuốc có chứa những hoạt chất thuộc nhóm á phiện như codein hay dextromethorphan (như Terpin-codein, Eucalyptine, Neocodion…), vốn được sử dụng rất rộng rãi để trị ho, nhưng chỉ nên sử dụng ở người lớn. Ở trẻ em, nhóm thuốc này có nguy cơ gây suy hô hấp nghiêm trọng và dẫn đến tử vong. Vì vậy, tháng 4/2017, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kì (FDA) ra cảnh cáo Chống chỉ định sử dụng codein cho trẻ em dưới 12 tuổi, Thận trọng với những trẻ em từ 12 đến 18 tuổi bị béo phì hoặc đang bị những bệnh lý như ngưng thở do tắc nghẽn khi ngủ, bệnh phổi nghiêm trọng…Các bậc cha mẹ cần đọc kĩ thông tin trên nhãn thuốc để loại trừ những thuốc có chứa codein trong thành phần. Với phụ nữ đang cho con bú, cần tránh sử dụng codein vì thuốc có khả năng bài tiết qua sữa mẹ nên nguy cơ gây hại cho bé.

Thuốc ho chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng ho tạm thời cho trẻ, chứ không điều trị nguyên nhân gây bệnh. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ho là cảm lạnh (hay viêm đường hô hấp – mà đa số là do siêu vi gây nên). Trường hợp này cũng không cần thiết sử dụng thuốc ho, chỉ cần giữ ấm cho trẻ, cho uống nhiều nước hơn, nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ, trẻ sẽ khỏi bệnh sau từ 1 đến 2 tuần.

Nếu đã cho bé sử dụng thuốc ho trong vài ngày nhưng chưa hết thì cần đưa trẻ đến bác sĩ. Những thuốc kháng sinh, corticoid, thuốc giãn phế quản, thuốc kháng acid… chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tùy thuộc nguyên nhân khiến trẻ ho.

KHOA DƯỢC
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ