Cấp cứu sặc sữa

Sặc sữa là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi. Đây là hiện tượng sữa trào vào đường thở khiến trẻ khó thở, tím tái, có thể gây ngừng thở. Nếu không sơ cứu kịp thời, có thể gây ảnh hưởng tính mạng cho trẻ.

1. Nguyên nhân sặc sữa

– Cho trẻ bú quá nhanh, quá no
– Trẻ bú, ăn không đúng tư thế
– Cho trẻ bú khi đang khóc, đang ho
– Sữa mẹ nhiều khiến trẻ nuốt không kịp
– Núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều
– Trẻ sinh non tháng nên phản xạ bú – nuốt kém
– Trẻ bị dị tật bẩm sinh vùng hầu họng như sứt môi, hở hàm ếch…

2. Dấu hiệu sặc sữa
Trẻ đột ngột ho, ọc sữa, thở mệt, tím tái,…khi đang bú hoặc sau khi bú xong. Trẻ có thể diễn tiến tới ngưng tim ngưng thở hoặc hôn mê.

3. Cấp cứu trẻ sặc sữa
Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, phụ huynh dừng lại việc cho bú ngay lập tức. Sau đó đánh giá trẻ. Đồng thời gọi hỗ trợ từ 115

a. Nếu trẻ còn tỉnh
• Nếu trẻ còn ho được: Nghiêng đầu trẻ sang một bên, lau sạch sữa ở mũi, miệng trẻ. Khuyến khích để trẻ ho. Tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ.
• Nếu trẻ không ho được, nhưng còn tỉnh:

Bước 1: Cho trẻ nằm sấp để đầu thấp hơn ngực trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ vùng đầu và cằm trẻ ở tư thế thẳng.

Bước 2: Sử dụng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần giữa 2 vai của trẻ theo hướng từ trên xuống dưới ra trước.

Bước 3: Sau khi vỗ lưng, dùng cẳng tay còn lại đặt lên lưng trẻ, bàn tay giữ chặt đầu và cổ.

Bước 4: Lật ngửa trẻ một cách cẩn thận (giữ chặt đầu và cổ), giữ trẻ nằm ngửa trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ đầu thấp hơn cơ thể.

Bước 5: Ấn ngực 5 lần ở vị trí 1/2 dưới xương ức, ngay dưới đường liên vú. Mỗi lần đẩy ngực khoảng 1 giây, cố gắng tạo áp lực đủ để sữa ra ngoài.
Làm sạch đường thở giữa các lần vỗ lưng ấn ngực, quan sát khoang miệng,dùng tay lấy dị vật nếu nhìn thấy, không dùng ngón tay đưa sâu để lấy dị vật.

Bước 6: Lặp lại chu kỳ 5 lần vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho đến trẻ thở lại hoặc khi trẻ không đáp ứng.

b. Nếu trẻ hôn mê

Ngay lập tức Ép tim – Hỗ trợ hô hấp trẻ với kỹ thuật 2 ngón tay (xem hình dưới) với yêu cầu:
Tần số:
• 30 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt (Nếu chỉ có 1 mình)
• 15 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt (Nếu có ≥ 2 người cấp cứu)

4. Phòng ngừa sặc sữa

– Bế trẻ ở tư thế đầu cao khi bú. Nên cho trẻ ăn dưới ánh sáng để có thể quan sát thấy trẻ nếu bé có tím. thỉnh thoảng kéo bé ra khỏi vú để giúp bé thở và bú chậm lại.
– Sau khi bú xong, nên bế trẻ 15-20 phút, vỗ nhẹ lưng để tránh đầy hơi sẽ kích thích gây sặc
– Với những trẻ bú bình, chọn những bình sữa có núm vú phù hợp với lứa tuổi, không quá to, giúp sữa xuống miệng trẻ không quá nhiều, không bị sặc. Khi cho trẻ bú, cần nghiêng bình sữa góc 45 độ để sữa chảy xuống đầy lỗ núm vú
– Đối với các trẻ có các dị tật vùng hàm mặt nên đi khám sớm để điều trị kịp thời và có các dụng cụ hỗ trợ để giảm thiểu nguy cơ sặc.
– Không cho bú khi trẻ đang ngủ, khóc, ho.

Khoa Cấp cứu
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Nguồn tham khảo:

  1. https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/tin-noi-bat/-/asset_publisher/iinMRn208ZoI/content/cach-so-cuu-khi-tre-sac-sua
  2. https://www.redcross.org.uk/first-aid/learn-first-aid-for-babies-and-children/choking-baby
  3. https://raisingchildren.net.au/babies/safety/choking-strangulation/choking-first-aid-pictures