Các quy định phòng, chống rửa tiền năm 2023

Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Trong đó, tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội. Đó là việc biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản mà các cơ quan công quyền không thể truy ra nguồn gốc phi pháp ấy. Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới, theo nhiều sử gia, thương nhân Trung Quốc đã biết “rửa tiền” hơn ba ngàn năm trước để tránh thuế của triều đình.

Ngày nay, thuật ngữ “rửa tiền” không còn xa lạ trong đời sống kinh tế quốc tế. Rửa tiền (money laundering) cách nói ẩn dụ là “làm sạch đồng tiền” phù hợp theo luật pháp, là hoạt động giao dịch tài chính đặc biệt để giấu tên, nguồn và nơi đến của đồng tiền, nó là hoạt động chính của kinh tế ngầm. Nói một cách dễ hiểu, rửa tiền là việc biến đồng tiền phạm pháp thành đồng tiền hợp pháp để sử dụng.

Có thể xếp những người rửa tiền làm ba nhóm:

– Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp…).
– Những người tham nhũng.
– Những người muốn tránh thuế, nói chung là những người muốn giữ kín thu nhập thật sự (dù là hợp pháp) của mình.

Tiền bẩn có thể từ các doanh nghiệp làm ăn công khai, chẳng hạn khi họ chuyển tiền từ nước này sang nước khác để tránh thuế. Có hai phương pháp để làm việc này, một là khai gian giá trị những dịch vụ mà bản chất là hợp pháp, hai là khai (như trong hóa đơn) một dịch vụ hoàn toàn không có (kể cả việc lập công ty ma). Trong các nguồn tiền cần rửa thì có lẽ nguồn kinh doanh là phản ánh tính toàn cầu hóa nhiều nhất, mà một trong những biểu hiện là việc khai man giá chuyển giao (transfer price) để tránh thuế của các công ty xuyên quốc gia.

Tất nhiên, ba nhóm trên không hoàn toàn biệt lập: tham nhũng, rửa tiền, và kinh doanh bất chính có nhiều chỗ giống nhau, cấu kết với nhau, và tiếp sức cho nhau. Ví dụ, tham nhũng thì cần có người để rửa tiền hối lộ, người rửa tiền này có thể là tội phạm chuyên nghiệp, hoặc công ty ma. Ngược lại, tội phạm và doanh nghiệp cũng thường đút lót các quan chức tham ô để làm ngơ dịch vụ rửa tiền.

Các quy định pháp luật về tội rửa tiền được quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017).

– Đối với cá nhân phạm tội tùy theo mức độ và tính chất có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm, phạt bổ sung có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, cấm làm công việc nhất định, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
– Đối với pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn.

Ngoài ra, Pháp luật Việt Nam có quy định thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023 và Nghi định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 28/4/2023.

Về nguyên tắc, việc phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư­; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền được quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, bao gồm:

– Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền.
– Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.
– Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc.
– Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.
– Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đề nghị toàn thể viên chức, người lao động chấp hành tốt các quy định pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền.

(Nguồn: tổng hợp các quy định của pháp luật và sưu tầm)

Phòng Tổ chức cán bộ
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố