Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng ngừa được hành vi tự sát ở trẻ em

Tổ chức y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, thế giới mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử và trung bình mỗi phút có 2 người chết vì tự tử. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, hiện tượng học sinh tự tử đã thu hút không ít sự quan tâm, chú ý của các cơ quan báo đài, các kênh thông thông tin truyền thông và toàn xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào về hiện tượng này.

Hành vi tự tử (suicidal behaviour) theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới bao gồm 3 thành phần: ý tưởng tự sát (chỉ thể hiện trong ý nghĩ); mưu toan tự sát (có hành vi để tự tử, nhưng không thành công); tự sát (có hành vi tự tử đi đến tử vong). Dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, thì đến năm 2020 tự tử sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và hàng thứ 2 ở các nước đang phát triển

Trong 45 năm qua tỷ lệ tự tử đã tăng 60% trên toàn thế giới. Hàng năm, có khoảng hơn 1 triệu người chết vì tự tử. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 13 ở mọi lứa tuổi trên thế giới và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở lứa tuổi vị thành niên và người lớn trẻ tuổi tại các nước đang phát triển. Ở Mỹ, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 – 24. Đa số các trường hợp tự tử xảy ra ở Châu Á trong đó có Việt Nam là do dùng thuốc bảo vệ thực vật

Nguyên nhân tự tử ở trẻ

Ở trẻ em tự tử không đơn thuần là tình trạng bế tắc trong cuộc sống mà bắt nguồn từ các tác nhân gây chấn động tâm lý diễn ra trong mỗi gia đình. Yếu tố thúc đẩy thường gặp là bị la rầy, cha mẹ sử dụng quyền uy và đối xử thô bạo với con cái, kế đó là những bất hòa trong gia đình, gia đình không toàn vẹn (bố mẹ ly hôn, mồ côi cha, mẹ, sống với ông bà, bố dượng, đông con), trẻ được nuông chiều hoặc bị ngược đãi, trẻ học lực kém, ám ảnh bởi tâm tính dục tuổi mới lớn.

Những tình huống xung đột xảy ra như bị đánh đòn, trừng phạt trước mặt mọi người, hoặc bị la rầy oan, tức tối vì sự bất công của cha mẹ, sự bất hòa với anh chị đều có thể dẫn đến tự tử ở trẻ em.

Sai lầm trong phương pháp giáo dục có thể gây nên tự tử là sự nuông chiều thái quá làm trẻ thiếu vươn lên trong cuộc sống. Trẻ luôn được thỏa mãn đòi hỏi của bản thân nên bất kỳ sự ngăn cản nào cũng dễ đưa trẻ đến sự căng thẳng không chịu nổi.

Có tới 88% trẻ có hành vi tự tử đang sống với cha mẹ nhưng cha mẹ ít dành thời gian cho con. Các nghiên cứu cũng cho thấy, nếu gia đình đã từng có người tự tử thì đứa trẻ trong gia đình đó sẽ có nguy cơ cao về tự tử. Ngoài ra, còn rơi vào những trẻ nghiện heroin, chậm phát triển tâm thần.

Dấu hiệu nào nhận biết trẻ đang có ý định tự tử?

Có lẽ, sau hàng loạt vụ tự tử vừa diễn ra, không ít phụ huynh đặt cho mình câu hỏi xen lẫn sự hoang mang, làm sao để phát hiện con mình đang có những biểu hiện không bình thường, đang có nguy cơ tự tử?

Nếu trẻ có sự thay đổi đột ngột về hành vi và cảm xúc. Ở trẻ em, người lớn rất dễ nhận biết sự thay đổi này, do trẻ không có nhiều khả năng giấu giếm như người lớn. Một em ít nói bỗng dưng nói nhiều, nói về điều xa xôi nào đó, về thế giới bên kia; hoặc có em đang sôi nổi ồn ào bỗng dưng thu mình lại; thay đổi sở thích; chán nản thất vọng. Có người thì nói gì cũng nghe, song có em lại chống đối mọi người… Những biến chuyển mang tính bất ngờ, quay ngoắt 180 độ trên cần phải xem xét đến.

Hành vi không bình thường như ngủ triền miên, ăn nhiều, ăn ít… thay đổi so với trước kia. Khóc lóc, thất vọng, nói với người khác về việc mình sắp phải đi xa, thấy mình không có ý nghĩa trong cuộc sống này chẳng hạn.

Làm sao phòng ngừa

Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi. Lúc này cha mẹ cần dành thời gian để gần gũi con cái, tạo nên những định hướng giá trị đúng với chuẩn mực xã hội, tìm hiểu nguyện vọng tâm tư của trẻ, kịp thời cởi bỏ những khúc mắc về tâm sinh lý cho trẻ, không nên vội la mắng, nặng lời với con sẽ dẫn đến hành động dại dột của con trẻ.

Thái độ nghiêm khắc của cha mẹ trên cơ sở không cảm thông tâm lý lứa tuổi, nhu cầu giải trí, sở thích. Nếu không hiểu rõ mà ngăn cấm sẽ khiến trẻ không thể gần gũi và chia sẻ.

Ở VN, thường không quan tâm đến vấn đề tư vấn tâm lý sau khi trẻ tự tử. Thực tế sau khi trẻ được cứu sống, vai trò của các bác sĩ tâm lý nhi khoa rất được coi trọng. Nhiệm vụ của BS tâm lý và các nhân viên xã hội (social worker) là tìm hiểu hoàn cảnh sống, nguyên nhân xung đột, giúp đưa ra hướng giải quyết tận gốc của vấn đề.

TRẦN HỒ TRUNG TÍN – PHÒNG ĐIỀU DƯỠNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ