Bệnh Sởi

Cuối tháng 04/2018, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố 10 sự kiện tiêm chủng trên toàn cầu nhân tuần lễ “Tiêm chủng thế giới 24-30/4/2018” trong đó có “Tử vong do bệnh Sởi đã giảm 84%”. Đó là một thông tin đáng mừng cho nền y tế trên thế giới. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi không chỉ xảy ra vào mùa đông xuân mà xảy ra quanh năm. Điển hình là tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố từ đầu năm 2018 đến nay, khoa Nhiễm vẫn thỉnh thoảng tiếp nhận các bé nhập viện vì mắc bệnh Sởi.

Bệnh Sởi là gì?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ…nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém. Bệnh sởi dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… và có thể gây tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh sởi do virus gây ra. Đây là một loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae, virus hình cầu, đường kính 120 – 250 nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời và sức nóng…
Virus sởi có hai kháng nguyên:
– Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin).
– Kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin)
Khi virus vào trong cơ thể bệnh nhân sẽ kích thích sinh kháng thể. Kháng thể xuất hiện từ ngày thứ 2 – 3 sau khi mọc ban và tốn tại lâu dài. Miễn dịch trong sởi là miễn dịch bền vững.

Đường lây truyền của bệnh Sởi như thế nào?

Bệnh sởi lây từ người sang người qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…

Triệu chứng bệnh Sởi ra sao?
Bệnh sởi biểu hiện trên lâm sàng thường trải qua ba giai đoạn:

1.Giai đoạn ủ bệnh
Thời kỳ ủ bệnh (10 – 12 ngày) là thời gian từ khi trẻ bị nhiễm virus gây bệnh đến khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn tiền triệu. Trong giai đoạn này trẻ không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh.

2.Giai đoạn tiền triệu
Giai đoạn tiền triệu (5 – 15 ngày) được đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ đến vừa, ho khan, chảy mũi nước, viêm kết mạc mắt. Những triệu chứng này hầu như luôn luôn xảy ra trước khi nội ban xuất hiện.
Nội ban hay hạt Koplik là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh. Đó là các hạt trắng, nhỏ như đầu đinh ghim, từ vài nốt đến vài chục, vài trăm nốt mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm), xunh quanh hạt Koplik niêm mạc má thường có sung huyết. Hạt thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ.
Kết mạc mắt có thể bị viêm đỏ và có dấu hiệu sợ ánh sáng. Người bệnh thường có ho khan tức ho không có đàm. Đôi khi giai đoạn tiền triệu biểu hiện bằng những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí viêm phổi.

3.Giai đoạn phát ban
Đây là giai đoạn điển hình nhất của bệnh với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay. Ban sởi là những ban dạng dát-sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ.

Biến chứng của bệnh sởi

1.Biến chứng đường hô hấp:
Viêm thanh quản:
– Giai đoạn sớm, là do virus sởi: xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban thường mất theo ban,hay có Croup giả, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản.
– Giai đoạn muộn: do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu…), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở, tím tái.
Viêm phế quản:
Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kì mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, neutro tăng, X quang có hình ảnh viêm phế quản.
Viêm phế quản – phổi:
Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ran nổ. X quang có hình ảnh phế quản phế vêm (nốt mờ rải rác 2 phổi). Bạch cầu tăng, neutro tăng, thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

2.Biến chứng thần kinh:
Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3 – 6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao vọt gây co giật, rối loạn ý thức…

    • Viêm tủy: liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng.
    • Viêm màng não:
      • Viêm màng não thanh dịch do virus sởi
      • Viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.
  • Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa(Van bogaert): hay gặp ở tuổi 2 – 20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm, điều này nói lên virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diến biến bán cấp từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân chết trong tình trạng tăng tương lực cơ và co cứng mất não.

3.Biến chứng đường tiêu hóa:
Viêm niêm mạc miệng:
– Lúc đầu do virus sởi, thường hết cùng với ban.
– Muộn thường do bội nhiễm
Cam mã tấu (noma): Xuất hiện muộn, do bội nhiễm xoắn khuẩn Vincent là một loại vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi thối.
Viêm ruột: Do bội nhiễm các loại vi khuẩn như shigella, E. coli…

4.Biến chứng tai – mũi – họng:
Viêm mũi họng bội nhiễm
Viêm tai – viêm tai xương chũm.

5.Biến chứng do suy giảm miễn dịch:
Dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà…

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh sởi
Các mẹ nên chế biến thức ăn: mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biến theo khẩu vị yêu thích của trẻ.
Lưu ý:
Không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng.
Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.
Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A.
Bổ sung Vitamin A để dự phòng thiếu vitamin A giúp bảo vệ mắt:
+ Trẻ dưới 6 tháng      : uống 50.000 đơn vị / ngày x2 ngày liên tiếp.
+ Trẻ 6- 12 tháng        : uống 100.000 đơn vị / ngày x2 ngày liên tiếp.
+ Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: uống 200.000 đơn vị/ ngày x2 ngày liên tiếp.
Trong trường hợp thiếu Vitamin A lặp lại sau 4-6 tuần.

Dấu hiệu nào cho thấy cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay?
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.
  • Khó thở, thở nhanh.
  • Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…
  • Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.

Chăm sóc và theo dõi trẻ bị bệnh tại nhà

Nếu gia đình đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, trẻ mắc bệnh sởi có thể chăm sóc và điều trị tại nhà theo cách sau:

  • Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt ≥ 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ.
  • Người chăm sóc cho trẻ bị bệnh cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc.
  • Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh, tránh cho trẻ kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng.
  • Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
  • Cắt móng tay tránh để trẻ gãi làm xước da.
  • Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần, mỗi lần 2 giọt.
  • Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng)

Phòng ngừa bệnh sởi

  • Tiêm vacxin: là biện pháp phòng sởi an toàn nhất. Vacxin sởi là một vacxin bắt buộc trong “Chương trình tiêm chủng mở rộng” ở nước ta hiện nay. Mũi đầu của vacxin sởi được tiêm khi trẻ được 9 tháng và mũi 2 khi trẻ được 18 tháng.
    • Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.
    • Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành
    • Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
    • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi.
    • Tránh tối đa việc dụi mắt,mũi.
    • Vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày.
  • Khi phát hiện trẻ có tiếp xúc với nguồn lây bệnh nên cách ly trẻ ở bệnh viện từ ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc đến ngày thứ 5 sau khi xuất hiện ban sởi bởi giai đoạn này là giai đoạn lây lan mạnh.

 

CNĐD NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC – PHÒNG ĐIỀU DƯỠNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ