Để cho con nguyên vẹn hình hài.

Năm 2018, chị H.T. (25 tuổi, ở quận 9, TPHCM) vui mừng khi biết mình mang thai. Lần đầu có con, lại song thai, chị ngập tràn hạnh phúc, trông đợi từng ngày để được làm mẹ. Có thai, điều mà người phụ nữ nào cũng thích nhất là tới lúc khám thai định kỳ, để được thấy con mình “nghịch ngợm” trên màn hình siêu âm, “nghe” rằng “mẹ ơi, con khỏe lắm” qua lời “thông dịch” của bác sĩ. Chị T. cũng thế, lắng nghe con từng ngày.

Để rồi, khi thai nhi được 16 tuần tuổi, chị T. nhớ như in lời bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương TPHCM hôm đó: “Chị ơi, song thai dính liền nhau”. Bàng hoàng, chị đặt tay lên bụng mình, nước mắt chảy dài.

“Tôi cố gắng kiềm chế mà nước mắt không ngừng rơi. Hai con gái của tôi, không thể nào…” – chị hồi tưởng. Lúc này, chồng của chị được mời vào phòng tư vấn, bác sĩ phân tích rất nhiều về song thai dính liền, về những khó khăn khi chị mang thai, nguy hiểm lúc sinh nở, càng phức tạp hơn khi nuôi dưỡng. Các bé sẽ gặp vô vàn khó khăn trong giai đoạn trưởng thành, trở thành thiếu nữ với bao thiệt thòi, đó là một hành trình lắm chông gai, nỗi niềm và nước mắt.

Ngày 7/6/2019, thai nhi được 33 tuần tuổi, chị lên bàn mổ, hai bé gái đáng yêu Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi cất tiếng khóc chào đời trong hình hài  “không chịu tách rời”. Bệnh viện Hùng Vương chẩn đoán song sinh dính nhau vùng chậu, các bé bị biến chứng nhiễm trùng, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) chăm sóc.

Với trẻ sinh non bình thường, chăm sóc, nuôi dinh dưỡng đã khó khăn, trường hợp của Trúc Nhi – Diệu Nhi càng khó hơn. Đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phải trợ thở, xoay trở để 2 bé không bị lở loét. Họ ngày đêm thay nhau bên cạnh hai bé, có bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào cũng khiến mọi người ăn không ngon, ngủ không yên.

Nhưng, các y, bác sĩ cho rằng họ chỉ là “những người canh gác” để Trúc Nhi – Diệu Nhi được ăn ngủ ngoan, để các bé mau lớn, sớm được phẫu thuật, rồi sẽ cùng nhau chạy nhảy, vui chơi như những em bé ngoài kia.

Nhưng mọi việc chẳng dễ dàng, bởi mặc dù 2 bé dính liền khung chậu, có tay chân độc lập, nhưng hai chân lại dạng ra hai bên, vuông góc với trục cơ thể, dính nhau phần bụng chậu, có lỗ rốn nằm giữa ổ bụng chung, hệ tiêu hóa phức tạp,… Bên cạnh đó, Diệu Nhi lại bị tổn thương di chứng vùng thùy trán bên phải.

Hàng ngày trực tiếp chăm sóc các bé, những người khoác áo blouse trắng lại càng cảm thông cho cha mẹ của 2 trẻ, họ cũng đau đáu với khát khao mong con mình lớn khôn, vui vẻ. Chuyên gia vật lý trị liệu, các y bác sĩ thường xuyên mời vợ chồng chị T. đến phối hợp từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày của hai con, thay tã chung, bón sữa cùng lúc, chăm sóc vệ sinh,… mọi thứ phải đồng nhất, dứt khoát. Như chăm chút hai chồi non trước gió, Trúc Nhi – Diệu Nhi càng lớn càng tinh nghịch khiến cha mẹ, cô chú bác sĩ càng sợ hai con bị thương.

Từ việc hy vọng hai bé có thể bú, tập ăn, sau 11 tháng được bác sĩ “dụ dỗ”, Trúc Nhi – Diệu Nhi đã rất háu ăn. Mỗi bé phải ăn đủ 500ml sữa và 4 chén cháo mỗi ngày. Nhìn 2 bé ăn, bác sĩ mỉm cười: “Các con sắp được nắm tay nhau chạy nhảy rồi”.

Thật vậy, 2 tháng sau, Trúc Nhi – Diệu Nhi đã mạnh mẽ vượt qua thử thách. Lúc này, cả hai bé nặng 15kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường, và bập bẹ nói. Trúc Nhi linh hoạt hơn Diệu Nhi, nhưng cả hai có chung niềm vui được chơi đùa với cô bác; tỏ ra hứng thú khi nghe cha mẹ kể chuyện; cùng ăn, cùng bú, cùng tiêu và bên nhau trong mọi khoảnh khắc. Chính sự lạc quan của 2 bé càng khiến các bác sĩ quyết tâm “đánh thức chồi non” để các con được nắm tay nhau chạy nhảy, vui đùa.

Để có quyết định mang tính táo bạo nhưng khoa học nhằm tách rời hai bé song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi, trả lại cho trẻ hình hài độc lập như các con xứng đáng, TS.BS Trương Quang Định – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mời các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình,… cùng giáo sư Trần Đông A – “lão tướng”, trưởng ê-kíp và là phẫu thuật viên chính trong ca mổ tách rời cặp song sinh dính liền Việt – Đức của 32 năm trước, làm cố vấn.

Ngay khi ca mổ tách 2 bé gái song sinh dính nhau vùng chậu kết thúc tốt đẹp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện cho GS.TS Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, chúc mừng kíp mổ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã phát huy trí tuệ, trình độ chuyên môn và sự nỗ lực của các bệnh viện để cứu chữa cho hai cháu bé.

Qua Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thủ tướng cũng chúc mừng gia đình và mong hai cháu sớm bình phục, gửi quà thăm hỏi sức khoẻ Trúc Nhi – Diệu Nhi. Nhân dịp này, Quyền Bộ trưởng cũng tặng Bằng khen của Bộ Y tế và quà cho kíp mổ, cho hai cháu bé.

TS.BS Trương Quang Định xúc động: “Thử thách này không chỉ diễn ra trong hôm nay, mà hơn 1 năm qua cả hai bé và đội ngũ bác sĩ đã trải qua cuộc sơ sinh đầy sóng gió. Thương nhất là Diệu Nhi, con đã cố gắng đến mũi khâu cuối cùng để chúng tôi hoàn thành sứ mệnh của mình. Con đường phía trước vẫn còn dài, chúng tôi không được phép lơ là trong hồi sức, hậu phẫu để tránh rủi ro, nhiễm trùng cho Diệu Nhi và Trúc Nhi. Sau nữa, khi bé lớn sẽ được tập vật lý trị liệu để có những vận động tốt hơn, nhất là trong tương lai, còn lập gia đình và sinh con”.

Giáo sư Trần Đông A bồi hồi: “Mặc dù đứng suốt từ sáng cho đến khi kết thúc cuộc phẫu thuật, tôi vẫn không thấy mệt mà rất vui. Hôm nay, chứng kiến các học trò của mình viết tiếp thành công trong phẫu thuật ca song sinh phức tạp này, tôi mừng lắm, ngành Y tế Việt Nam không chỉ phát triển cả về thiết bị kỹ thuật, về trình độ chuyên môn, mà còn về trí tuệ, về tình người. Bác sĩ nào không hạnh phúc, không vui mừng khi đưa bệnh nhân của mình bước qua thập tử nhất sinh, sống vui khỏe”.

“Vẫn biết Trúc Nhi – Diệu Nhi còn phải đi tiếp hành trình cũng đầy khó khăn, nhưng tôi tin bác sĩ sẽ tiếp tục đồng hành cùng gia đình, để chúng tôi có được hạnh phúc trọn vẹn” – chị T. nói.
Theo Báo Phụ nữ