Bệnh Sởi – Dễ lây và dễ phòng ngừa

Bệnh sởi – Dễ lây
Theo y văn, sởi là bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất. Trong lịch sử, đã từng có những đại dịch sởi xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1916, dịch sởi bùng phát trên toàn nước Mỹ và giết chết 12.000 người, trong đó 75% là trẻ em dưới 5 tuổi.

Bệnh do virus sởi gây ra. Virus này lây lan qua không khí khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Bệnh bắt đầu bằng sốt và sau đó xuất hiện các triệu chứng ho, hắt hơi, đỏ mắt và phát ban sau đó. Tuy nhiên, bệnh sởi không đơn giản với biểu hiện “ban đỏ” vài ngày sẽ hết như một số phụ huynh thường nghĩ mà có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ như tiêu chảy, viêm tai giữa đến biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não. Các biến chứng nghiêm trọng này có tỉ lệ tử vong cao. Biến chứng có thể gặp trên bất kỳ trẻ nào mắc bệnh nhưng có tỉ lệ cao trên trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A.

Bệnh sởi – dễ phòng
Vắc xin sởi được phát minh từ những năm 1960 và ngày càng được cải tiến nhiều hơn để tăng hiệu quả cũng như giảm tác dụng phụ của vắc xin. Chủng ngừa được xem là phương tiện phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất đối với bệnh này. Vắc xin sởi rất an toàn và hiệu quả, và các tác dụng ngoại ý (nếu có) thường nhẹ.

Tại Việt Nam, có 3 loại vắc xin có thể phòng sởi: vắc xin sởi đơn MVVAC, vắc xin sởi – rubella MR (miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng) và vắc xin sởi – quai bị – rubella MMR (vắc xin dịch vụ, có tính phí). Nếu được tiêm đủ 2 mũi ngừa sởi, trẻ sẽ được bảo vệ đến 97% đối với bệnh.

Tại sao tiêm ngừa sởi lại quan trọng?
Từ khi có vắc xin, các nước phát triển đã khống chế dịch sởi trong nhiều năm. Dịch thường hiếm khi xảy ra vì tỉ lệ tiêm chủng tại các quốc gia này đạt gần 100%. Tuy nhiên, dịch cũng có thể bùng phát ở những nơi cộng đồng dân cư chưa được chủng ngừa đầy đủ. Năm 2011, Canada và Pháp đã chứng kiến sự bùng phát dịch sởi trên diện rộng. Năm 2013, nước Mỹ bất ngờ chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch sởi. Riêng tại Việt Nam, dịch sởi năm 2014 ghi nhận cả nước có gần 6000 ca ghi nhận mắc sởi, trong đó có 147 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Các chuyên gia báo cáo có từ 30 đến 80% trẻ mắc sởi trong các trận dịch kể trên chưa được tiêm ngừa sởi.

Nếu tất cả người dân được tiêm ngừa đầy đủ, toàn bộ cộng đồng sẽ không có khả năng mắc bệnh. Do đó, khi trẻ và các thành viên trong gia đình được tiêm ngừa đúng lịch, bản thân trẻ, gia đình, và cả cộng đồng sẽ được bảo vệ khỏi bệnh sởi. Khi tỉ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao, bệnh sởi có thể được loại trừ.

Tại sao tiêm ngừa sởi càng quan trọng với trẻ mắc bệnh tim?
Trẻ mắc bệnh tim thường ít được tiêm ngừa sởi vì phụ huynh lo lắng bé thể trạng yếu, lo ngại các tác dụng phụ của vắc xin. Tuy nhiên, trên thực tế, vắc xin ngừa sởi được chứng minh an toàn khi sử dụng cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh và các bệnh lý mạn tính. Do đó, vắc xin này hoàn toàn không có chống chỉ định đối với các trẻ mắc bệnh tim.

Phụ huynh có con em mắc bệnh tim bẩm sinh nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng lịch hẹn vì trẻ có sức đề kháng yếu và dễ trở nặng khi mắc bệnh hơn các trẻ khỏe mạnh khác. Chỉ có các trường hợp sau đây có chống chỉ định với vắc xin sởi:

– Từng có phản ứng nguy hiểm đến tính mạng do dị ứng với liều vắc xin sởi trước đó, hoặc bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin.
– Phụ nữ đang mang thai.

Đối với các trường hợp sau, phụ huynh cần báo cho bác sĩ trước khi có kế hoạch tiêm ngừa sởi để bác sĩ xem xét việc chỉ định vắc xin cho con:
– Bệnh nhân đang mắc bệnh nhiễm HIV/AIDS.
– Bệnh nhân ung thư.
– Bệnh nhân đang dùng các thuốc corticoid hoặc thuốc có khả năng gây ức chế hệ miễn dịch.
– Được truyền máu hoặc chế phẩm máu trong thời gian gần đây.
– Từng bị giảm tiểu cầu.
– Đang sốt hoặc mắc các bệnh lý cấp tính.

Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã xuất hiện một số trường hợp mắc sởi ở trẻ nhỏ. Vì tính chất dễ lây và nguy hiểm của bệnh, các phụ huynh có con nhỏ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn cần đến ngay các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho bé trước khi dịch sởi bùng phát.

Lịch tiêm ngừa sởi theo chương trình tiêm chủng quốc gia:
– Mũi 1; 9 tháng tuổi
– Mũi 2: 18 tháng tuổi
Các mũi tiêm có thể được chỉ định sớm hơn khi có dịch

Các triệu chứng của bệnh sởi:
–   Sốt
– Sổ mũi, hắt hơi
– Đỏ mắt
– Phát ban

Vắc xin kết hợp MMR (Sởi – quai bị – Rubella) không liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ em. Vắc xin này không phải là nguyên nhân gây nên chứng tự kỷ như một số thông tin trên internet. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh ngoài tác dụng phòng ngừa Sởi – Quai bị – Rubella, MMR còn làm giảm tỷ lệ nhiễm các bệnh đường hô hấp.

Một người mắc sởi có thể lây nhiễm cho 9 trên 10 người tiếp xúc với họ nếu chưa được chủng ngừa

KHOA SỨC KHỎE TRẺ EM
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ