Sâu răng ở trẻ em

Theo thống kê, có tới 80% trẻ trong độ tuổi 4 – 8 tuổi bị sâu răng, 91% các trẻ chăm sóc răng miệng không đúng cách. Với trẻ đang học lớp 1 thì chỉ có 2 trẻ không bị sâu răng trên tổng số 10 trẻ. Vậy khi trẻ bị sâu răng cha mẹ cần phải xử trí như thế nào?

Nguyên nhân của sâu răng?

  • Do vi khuẩn: Vi khuẩn Streptococcus Mutans làm lên men các chất bột và đường có trong thức ăn thành axit lactic, là loại vi khuẩn luôn hiện diện ở môi trường miệng của tất cả mọi người

  • Do kết cấu răng: răng mọc lệch lạc 

  • Do chăm sóc răng miệng không đúng cách

Sâu răng sẽ ảnh hưởng như thế nào?

  • Gây đau: sâu răng khi xâm lấn gần sát tuỷ hoặc tới tuỷ gây những cơn đau kéo dài, đau nhiều về đêm, ảnh hưởng sinh hoạt của trẻ (học, ngủ, chơi…)

  • Giảm sức nhai, kém hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn khi không được nghiền đủ, dẫn đến các rối loạn đường tiêu hoá

  • Gây tình trạng hôi miệng 
  • Gây viêm nhiễm vùng hàm mặt nguyên nhân từ nhiễm trùng ở răng 

  • Gây mất răng, mất khoảng mọc răng dẫn đến rối loạn khớp cắn: nhổ răng sữa quá sớm thì răng bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là răng hàm vĩnh viễn số 6, nếu răng hàm sữa bị nhổ sớm, răng số 6 sẽ mọc về phía trước, chen vào chỗ các răng vĩnh viễn khác mọc sau này

Khi phát hiện bé bị sâu răng thì ba mẹ cần làm gì?

Khi phát hiện trẻ bị sâu răng, phụ huynh phải đưa trẻ tới bác sĩ răng hàm mặt để được thăm khám và đánh giá. Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định xử trí cho phù hợp: 

  • Đối trường hợp sâu nhẹ, sâu chưa có lỗ thì cải thiện vệ sinh răng miệng là phương pháp tốt nhất hoặc dự phòng sâu bằng trám bít hố rãnh ở những vị trí có nguy cơ sâu, đặc biệt đối với răng 6 mới mọc 

 

  • Đối với trong hợp tạo thành lỗ, nhưng không đau răng có thể thực hiện điều trị trám răng với nhiều vật liệu an toàn, thẩm mỹ, hoặc các mão răng làm sẵn giúp phục hồi các răng sâu lớn không trám được

  • Đối với trường hợp nặng, tổn thương tuỷ răng cần điều trị nội nha, lấy sạch tuỷ bệnh, đồng thời trám và phục hồi răng sâu.

Vệ sinh răng miệng như thế nào là đúng ?

Vệ sinh răng miệng là rất quan trọng khi ngăn ngừa sâu răng. Phụ huynh cần tập cho bé thói quen chải răng đúng, đủ thời gian, đúng thời điểm.

  • Phương pháp chải răng: chải răng đúng sẽ giúp làm sạch các mặt má, mặt lưỡi và mặt nhai của răng
  • Dụng cụ hỗ trợ làm sạch kẽ răng: chỉ nha khoa, bàn chải kẽ, tăm nước…

  • Thời gian chải răng tối thiểu trong 02 phút/lần, chải răng sau ăn, sáng sau khi ăn sáng, chải răng trước khi ngủ
  • Chải răng phối hợp chải lưỡi
  • Việc sử dụng kem đánh răng các bậc phụ huynh nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn sản phẩm phù hợp độ tuổi trẻ, tránh nguy cơ nhiễm Fluor do dùng lượng kem đánh răng quá nhiều, hay dùng thuốc xịt chống sâu không đúng khuyến cáo.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chăm sóc răng cho trẻ khi còn nhỏ là công việc thường nhật của cha mẹ. Không nên quan niệm răng sữa sẽ thay và không cần điều trị, nhổ rồi sẽ thay bằng răng khác. Nếu nhổ sớm chưa đến thời kỳ thay răng, trẻ sẽ không có răng để ăn, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và ảnh hưởng tới việc mọc răng sau này.

Khoa Răng Hàm Mặt
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố