Quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Môi trường mạng xã hội bên cạnh những lợi ích được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro vô cùng nguy hiểm. Các thông tin thuộc bí mật cá nhân của trẻ khi cha, mẹ, người bảo hộ hoặc trẻ đưa lên mạng xã hội, vô tình sẽ tạo điều kiện cho các kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu, kích động để vi phạm pháp luật. Khi các thông tin của trẻ công khai trên mạng xã hội trẻ có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, lừa đảo thậm chí bị xâm hại tình dục. Vì vậy bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vô cùng quan trọng.

Với mục đích bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ngày 09/05/2017 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/07/2017 với 5 điều: quy định về thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng; các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng; các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Mỗi cá nhân cần thận trọng khi đăng ảnh, thông tin cá nhân của trẻ lên mạng
Mỗi cá nhân cần thận trọng khi đăng ảnh, thông tin cá nhân của trẻ lên mạng

Trong đó Điều 33 của Nghị định quy định thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em cụ thể “thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”. Điều 36 của nghị định cũng quy định “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em”. Khi có trường hợp trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng điều 37 của nghị định cũng quy định “cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em và cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.” Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em và tôn trọng pháp luật, cha mẹ, thầy giáo, người giám hộ cần hiểu được các mối nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến bé và lắng nghe ý kiến của trẻ, khi đưa các hình ảnh, thông tin của trẻ.

Với mục tiêu lấy Bệnh nhi làm trung tâm, phục vụ Bệnh nhi với chất lượng tốt nhất, Bệnh viện luôn tôn trọng quyền thông tin bí mật cá nhân của Bệnh nhi, nhân viên Bệnh viện không được tùy tiện chụp ảnh, quay phim Bệnh nhi. Các trường hợp khi muốn quay phim, chụp ảnh Bệnh nhi phải được sự đồng ý của Bệnh nhi và người nhà, người giám hộ của Bệnh nhi. Nhằm đảm bảo chấp hành các quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi của bệnh nhi, Bệnh viện đã xây dựng các bước bảo vệ nghiêm ngặt thông tin, hình ảnh, quyền bí mật cá nhân của Bệnh nhi khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.