Nhân viên Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố thực hiện phương châm “4 xin – 4 luôn”.

Ngày 19/5/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức. Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp. Phong cách giao tiếp, ứng xử đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở. Ở một số nơi, công tác tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và xem đây là tiền đề cho việc đánh giá nhân cách của một cán bộ, công chức, viên chức. Vừa qua, Sở Y tế Thành phố cũng đã ban hành Công văn số 4567/SYT-TCCB ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Sở Y tế về việc chấn chỉnh thái độ ứng xử của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ đề nghị các Bệnh viện triển khai thực hiện Công văn số 3212-UBND-VX ngày 02 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc chấn chỉnh thái độ, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Nội dung công văn yêu cầu:

(1) Thực hiện đúng quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích và hướng dẫn đầy đủ quy trình, luôn thực hiện phương châm “4 xin – 4 luôn” (Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luông lắng nghe, luôn giúp đỡ)

(2) Khi giao tiếp qua điện thoại, viên chức, người lao động phải xưng tên, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác, trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc, âm lượng vừa đủ nghe; giữ thái độ lịch sự, không gắt gỏng hay nói trống không; không ngắt điện thoại đột ngột.

(3) Đối với viên chức, người lao động đang tham dự họp, yêu cầu luôn đặt điện thoại ở chế độ im lặng hoặc rung. Trường hợp cấp bách cần trao đổi công việc thì nhận cuộc gọi bên ngoài phòng họp, hoặc trao đổi qua tin nhắn để không làm ảnh hưởng đến các thành viên đang họp.

(4) Cán bộ, viên chức, người lao động phải coi đây là tiêu chí bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hằng năm đối với viên chức, người lao động. Đồng thời, các trường hợp vi phạm quy định về văn hóa công vụ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

Để thực hiện tốt quy tắc ứng xử góp phần vào xây dựng Văn hóa công sở, nó phải gắn với gia đình và văn hóa xã hội. Viên chức, người lao động phải thực sự nêu gương với người thân trong gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội, cần xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử. Giao tiếp ứng xử không thể cân đong, đo đếm được trực tiếp mà được hình thành từ trong ý thức của từng người, tạo nên niềm tin giá trị, động lực thôi thúc cách ứng xử làm việc của mỗi cá nhân. Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố tích cực theo đuổi giá trị văn hóa mà bệnh viện đã xây dựng, thực hành nêu gương, bắt đầu từ cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, lãnh đạo làm gương, nhân viên soi vào; mỗi viên chức, người lao động phải tự nổ lực tu dưỡng, rèn luyện bản thân, thường xuyên trao dồi các kỹ năng ứng xử, đối phó với các tình huống phức tạp có thể làm điều chỉnh cảm xúc của cá nhân dẫn đến các phát ngôn, lời lẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín cá nhân và tập thể bệnh viện; nhân viên bệnh viện trước hết cần biết tôn trọng bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân để nhận lại sự tôn trọng từ họ, chính từ sự tôn trọng đó mới nhận được sự tin tưởng nhất định; hơn hết nhân viên bệnh viện phải biết mỉm cười với niềm vui chung của bệnh nhân, chia sẻ với sự mất mát, đau thương mà họ gánh chịu, chia sẻ để niềm vui nhân đôi, để nổi buồn vơi nửa.

PHÒNG TỔ CHỨC CÁN BỘ

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ.