Hành trình vượt qua “cửa tử” của bé trai 120kg nhiễm COVID-19 nặng, nguy kịch – Một trong 15 sản phẩm vào vòng bình chọn giải thưởng “thành tựu y khoa Việt Nam” Lần 2

Giải thưởng “Thành tựu Y khoa Việt Nam 2021” lần thứ 2 – năm 2021 đã được Đài tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh chính thức phát động nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân đã có những thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngày 06/01/2022, 15 sản phẩm đã được sơ tuyển để được Ban Tổ chức ghi hình và phát thanh trên sóng radio và các phương tiện truyền thông.

Tính đến ngày 31/12/2021, Hội đồng chuyên môn – Sở Y tế đã nhận 36 sản phẩm từ 27 đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký tham gia bình chọn giải thưởng, Hội đồng chuyên môn – Sở Y tế TP.HCM đã họp và sơ tuyển 15 sản phẩm nổi bật nhất vào vòng trong để được bạn nghe đài bình chọn ra 10 sản phẩm xuất sắc nhất để được tôn vinh nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2022.

Hành trình vượt qua “cửa tử” của bé trai 120kg nhiễm COVID-19 nặng, nguy kịch – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố vinh dự được Hội đồng chuyên môn – Sở Y tế TP.HCM bình chọn là 01 trong 15 sản phẩm nổi bật nhất. Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố có thành tựu y khoa được bình chọn vào danh sách “Thành tựu Y khoa Việt Nam”.

Những ngày tháng 11 khi TPHCM mở cửa bình thường mới, P. nhiễm COVID-19 khi lao vào dòng đời mưu sinh. Em sốt 3 ngày kèm ho đờm, khó thở, đau ngực tăng dần, SpO2 giảm thấp lại chưa tiêm mũi vaccine nào và đặc biệt nặng đến 120kg – nặng nhất trong các bệnh nhi nhiễm Covid-19 từ trước đến nay.

Ngày 4/11, P. được đưa vào khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố. Từ đây, bệnh nhi trải qua quá trình căng não chống chọi với tử thần.

Từ ngày đầu đến ngày 14 nhập viện, P. ho đờm vàng đặc nhiều, đau ngực, suy hô hấp tăng dần, không đáp với thở oxy dòng cao (HFNC). Các bác sĩ phải tiến hành đặt nội khí quản giúp thở, cho thở máy thông số cao. Nhưng tình trạng ngày một diễn biến xấu, oxy hóa máu kém, phổi tổn thương trắng xóa và suy đa cơ quan. Sau khi hội chẩn khẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhi cần chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo)

Từ ngày 14 đến ngày 22 nằm viện, bé rơi vào cơn bão cytokin. Ê-kíp Hồi sức Covid-19 của BV lại hội chẩn khẩn, tiến hành lọc máu 7 ngày liên tục cho bé. Bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU) sau 23 ngày điều trị.

Tại khoa ICU, bé được kết hợp điều trị hàng loạt các biện pháp phức tạp như thở máy, dùng kháng sinh, kháng nấm, thuốc an thần, lọc máu liên tục, ngày, truyền chế phẩm máu, kháng đông, chăm sóc da, xử lý vết loét vùng cùng cụt và tiếp tục chạy ECMO. Ngoài ra, bệnh nhi còn được tập vật lý trị liệu hô hấp, vận động, tư vấn tâm lý.

Đã có lúc, bệnh nhi cai máy ECMO thất bại, tuyệt vọng đòi buông xuôi để đi theo với người cha đã mất. Tuy nhiên, các bác sĩ vừa tích cực điều trị, vừa nâng đỡ tinh thần cho bé. Họ cố gắng để P. thấy sự ân cần của nhân viên y tế cũng như người thân trong nhà.

Nhờ vậy P. diễn tiến cải thiện dần, không sốt, thông số máy thở giảm dần, tự thở tốt, X-quang phổi cải thiện, sinh hiệu ổn. Em được ngưng chạy ECMO sau 26 ngày. Tỉnh dậy sau cuộc chiến sinh tử, em khóc trên giường bệnh vì nhớ bố.

Việc cứu sống được bệnh nhi là thành quả của sự đồng lòng nỗ lực phía nhân viên y tế và của chính bệnh nhân. P. được xuất viện là món quà Giáng sinh đặc biệt với toàn bộ ekip điều trị cho bé.

TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc BV cho biết, trường hợp này cho thấy ngành y tế TPHCM dù thời gian qua đã chịu rất nhiều tổn thất, khó khăn nhưng vẫn cố gắng cứu sống thật nhiều bệnh nhân trong cơn đại dịch.

“Chúng ta đã từng có một phi công người Anh 100 kg nằm viện trên ba tháng, chi phí cao ngất ngưỡng nhưng may mắn được bảo hiểm nước ngoài chi trả.

Và giờ cũng tại TPHCM, chúng ta có một “tiểu phi công” người Việt, 120kg với một hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, phải nằm viện gần 2 tháng trời, chi phí lên đến hàng tỷ đồng được Ngân sách nhà nước, bảo hiểm xã hội chi trả và những tấm lòng của các mạnh thường quân giúp đỡ” – TS.BS Định nói.

Các bác sĩ tặng quà cho bệnh nhi ngày xuất viện
Các bác sĩ tặng quà cho bệnh nhi ngày xuất viện

15 thành tựu y khoa Việt Nam đã được sơ tuyển:

1) Cải biên xe vận chuyển hành khách và xe taxi trở thành xe vận chuyển người bệnh COVID-19 – Trung tâm Cấp cứu 115.

2) Hành trình vượt qua “cửa tử” của bé trai 120kg nhiễm COVID-19 nặng, nguy kịch – BV Nhi đồng Thành phố.

3) Hiệu quả điều trị phục hồi chức năng và theo dõi người bệnh hậu COVID-19 & ứng dụng Dr. Home – BV Phục hồi chức năng – Điều trị Bệnh nghề nghiệp.

4) Hiệu quả của Trung tâm Hồi sức COVID-19 1.000 giường – BV Hồi sức COVID-19.

5) Mô hình “bệnh viện chị” đi hỗ trợ “bệnh viện em” – BV Nhân dân Gia Định.

6) Mô hình “Tổ Y tế từ xa” –  Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

7) Mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng – Đại học Y Dược TP.HCM.

8) Mô hình Tổ Quân y cơ động tại các Trạm y tế lưu động trong bối cảnh COVID-19 – Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng.

9) Mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài “1022” – Hội Y Học TP.HCM.

10) Nghiên cứu hiệu quả điều trị của thuốc Molnupiravir cho người mắc COVID-19 tại cộng đồng – Đại học Y Dược

11) Những đóng góp hiệu quả của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh trong công tác mở rộng cơ sở thu dung điều trị đáp ứng nhu cầu chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

12) Phối hợp liên viện và sử dụng ECMO cứu chữa thành công mẹ con sản phụ mắc COVID-19 nguy kịch – BV Đại học Y Dược TP.HCM.

13) Thực hiện da kề da và cho trẻ bú mẹ sớm sau sinh ở sản phụ mắc COVID-19 (Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm – EENC – trong và ngay sau sanh thường, sau mổ lấy thai ở sản phụ mắc COVID-19) – BV Từ Dũ

14) Triển khai chạy thận nhân tạo tại trung tâm cách ly trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 – BV Lê Văn Thịnh.

15) Trung tâm H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) – Mô hình nuôi dưỡng và chăm sóc tạm thời trẻ sơ sinh con của thai phụ nhiễm SARS-CoV-2 nặng sinh ra trong đại dịch COVID-19 – BV Hùng Vương.

Phòng Tổ chức cán bộ
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố