Ca cúm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trước đây nước ta chỉ lưu hành cúm A(H5N1) trên người, ca nhiễm cúm A(H9N2) vừa công bố là ca đầu tiên. Cúm này thường lưu hành ở đàn gia cầm và có thể lây sang người, nhưng chưa thấy dịch lớn xảy ra.

Ngày 6/4, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A/H9 đầu tiên từ trước đến nay. Bệnh nhân là nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngày 10/3/2024, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vào ngày 16/3/2024, được chẩn đoán viêm phổi nặng do virus.

Kết quả xét nghiệm bước đầu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phát hiện dương tính cúm A và có các đoạn gen tương đồng virus cúm A phân tuýp H9. Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm khẳng định.

Ngày 1/4/2024, Viện Pasteur TP  Hồ Chí Minh phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân tuýp H9, hiện tại Viện đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm. Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Rất nhiều chủng virus cúm lây lan sang người, nhưng chủ yếu vẫn là H5N1, H7N9 và H9N2. Gần đây, trên thế giới gia tăng các ca nhiễm cúm gia cầm H9N2.

 Cúm A H9 bao gồm 9 loại virus: H9N1, H9N2, H9N3, H9N4, H9N5, H9N6, H9N7, H9N8 và H9N9. Tất cả các virus H9 được xác định trên toàn thế giới ở chim và gia cầm hoang dã là virus LPAI. Virus H9N2 đã được phát hiện trong quần thể chim ở Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi.

Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2 (bao gồm 2 trường hợp tử vong, cả 2 đều là bệnh nhân có bệnh nền), trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp ại Campuchia.

Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H9N2 lây từ người sang người.

Khi nhiễm cúm A/H9, các triệu chứng ban đầu tương tự như các triệu chứng của các loại virus cúm khác, có thể gồm sốt, ho, đau họng và khó thở;  đa số các trường hợp mắc bệnh đều có triệu chứng nhẹ và vừa. Hầu hết các trường hợp tử vong đều là những người mắc bệnh nền mãn tính sẵn có như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư…

Trước đó có hai trường hợp tử vong do mắc cúm A(H9N2) tại Trung Quốc, cả hai đều có bệnh nền.

Virus cúm gia cầm là mối lo ngại vì nó lây lan nhanh. Do vậy không được chủ quan cần hết sức lưu ý đến Những biện pháp phòng bệnh:

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
  2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
  3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
  4. Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
  5. Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.
  6. Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố