Kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi bị nhốt trong ôtô

Có nhiều ý kiến cho rằng không có khả năng thoát hiểm trong trường hợp này khi xe đã khóa cửa, tắt máy, nhất là đối với trẻ nhỏ, khi lực của các bé quá yếu, không đủ để đập cửa gọi người đến cứu hay phá cửa.

1. Cố gắng giữ bình tĩnh
Khi bị bỏ quên trên xe, trẻ rất dễ rơi vào tâm lý hoảng loạn, gào thét, khóc lóc. Những việc này chỉ khiến bé nhanh chóng kiệt sức và giảm khả năng thoát ra ngoài, các bậc phụ huynh nên khuyên trẻ giữ bình tĩnh, tìm cách tự thoát ra hoặc báo hiệu cho những người xung quanh.

2. Sử dụng còi xe
Tiếp theo, bạn hãy chỉ cho con cách bấm còi xe. Cho dù xe có bị khóa hay hoàn toàn tắt máy thì còi vẫn hoạt động bình thường do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ Accu – còi bấm cả ngày không hết. Đây là cách đơn giản nhất mà rất hữu hiệu để gây chú ý với người khác. Bạn hãy dạy con, khi bị bỏ quên trên xe, con hãy lên vô lăng và bấm vào còi, tiếng còi kêu liên tục sẽ gây sự chú ý của người khác.

3. Đèn Hazard
Tương tự như đối với còi, đèn Hazard cũng có một nguồn điện riêng để đèn lúc nào cũng hoạt động. Các bậc phụ huynh hãy chỉ cho bé nút bật cái đèn có hình tam giác và rất dễ thấy trên buồng lái. Bật đèn Hazard kết hợp với bấm còi để gây sự chú ý của mọi người.

4. Lẫy mở khóa cửa từ bên trong
Trong các loại xe hơi hiện nay đều thiết kế có lẫy mở khóa cửa từ bên trong. Bạn hãy bớt chút thời và dạy con cách bật lẫy này để mở cửa trong trường hợp khẩn cấp.

Hoặc nếu trong trường hợp không có lẫy mở khóa hay con khó thực hiện động tác này, bạn hãy hướng dẫn con kiểm tra cánh cửa tại vị trí của ghế lái. Khi xe ô tô không cắm chìa khóa và khi xe đã khóa thì vẫn có thể mở cửa. Khi mở cửa mà không có chìa khóa, còi chống trộm trên xe sẽ kêu lên.

5. Sử dụng búa thoát hiểm
Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, khi mà các phương án trên đều không có tác dụng thì bạn hãy dạy cho bé cách phá cửa kính để thoát thân.

Trên xe hầu hết đều có búa thoát hiểm. Loại búa này có thiết kế đầu nhọn để tập trung gia lực, chỉ với một lực nhỏ của con cũng có thể đập vỡ cửa kính mà không cần dùng nhiều sức.

Bên cạnh đó thì kính xe luôn thiết kế là kính an toàn, nên khi đập vỡ, kính sẽ vỡ vụn dạng hạt ngô, không có mảnh nhọn nên bạn hãy yên tâm chúng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến con. Dẫu vậy, bạn hãy chỉ cho con phá các cánh cửa hai bên, không được phá kính chắn gió.

Nếu không có búa thoát hiểm, bé có thể những vật nặng, vật kim loại bất kì mang theo người như hộp bút, cặp sách, ô,… để phá cửa.

Những lời khuyên nghe thì có vẻ phức tạp nhưng chỉ một chút thời gian của các bậc phụ huynh, là cả một kỹ năng lớn cho các con, các con sẽ hiểu được tầm quan trọng của chúng. Đừng bao giờ chủ quan mà hãy trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết. Khi biết làm gì trong tình thế nguy hiểm, trẻ có thể tự trấn an mình và hạn chế được các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Nguồn: Sưu tầm