“1 ngày chuẩn bị và 100 ngày hoạt động chống dịch” – Đó là một kỷ niệm khó quên của từng cán bộ, nhân viên y tế thuộc BV Nhi Đồng Thành phố, BV ĐH Y Dược TPHCM, BV Bình Tân, BV Y học Cổ truyền TW, nhân viên y tế từ Đoàn tỉnh Phú Thọ và lực lượng dân quân điều động từ Bộ Tư Lệnh TPHCM. Tất cả đều khẩn trương cho công tác chuẩn bị từ oxy cho đến kê giường bệnh trong một thời gian rất ngắn để kịp thời tiếp nhận, điều trị và chăm sóc người bệnh với sự dấn thân quên mình tất cả vì sức khoẻ của người dân Thành phố.
Ngày cuối cùng của bệnh viện dã chiến số 4 sau 100 ngày hoàn thành sứ mệnh chăm lo cho người F0
Ngày 6/6/2021, nhận nhiệm vụ từ Ban Chỉ đạo Thành phố, BV Nhi đồng TP – đơn vị được giao quản lý BV dã chiến số 4 đã bắt tay ngay vào công việc khảo sát và lên kế hoạch hoạt động. Cơ sở vật chất được giao là khu nhà tái định cư chưa sử dụng đã hơn 10 năm, bao gồm 20 block nhà trải rộng trên 1 diện tích hơn 30 hecta, được chia thành 4 khu (Khu A: 5 block; Khu B: 3 block; Khu C: 5 block; Khu D: 7 block). Mỗi block nhà gồm 4 tầng, không có thang máy, bao gồm 40 phòng với sức chứa từ 180 – 210 bệnh nhân mỗi block. Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích huyện Bình Chánh chịu trách nhiệm sửa chửa các block nhà, hoàn thiện hệ thống điện nước, lắp đặt camera giám sát và hệ thống loa. Các block nhà được bàn giao đến đâu là được tiếp nhân và thực hiện nhiệm vụ thu dung ngay.
Tổng lượt nhân sự được điều động tham gia bệnh viện dã chiến là 798 người. Trong đó có 17 nhân viên y tế từ BV Bình Tân, 78 nhân viên y tế từ BV ĐH Y Dược TPHCM, 78 nhân viên y tế từ BV Y học Cổ truyền TW, 104 nhân viên y tế từ Đoàn tỉnh Phú Thọ và 262 dân quân điều động từ Bộ Tư Lệnh TPHCM.
Bệnh viện bắt đầu nhiệm vụ thu dung vào ngày 07/07/2021; đến 13/07/2021 đạt mức thu dung 4000 bệnh nhân. Thành lập hệ thống phòng cấp cứu và khu HSCC (từ ngày 04/08) với tổng số giuờng có oxy (oxy bình, và oxy lỏng) là 185 giường. Đến ngày 14/10/2021, tổng bệnh nhân thu dung là 16129; trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 2523, người lớn trên 65 tuổi là 706, tử vong 61 trường hợp (0,38%), chuyển viện tầng trên là 551 trường hợp (3,4%).
Ở thời điểm đỉnh dịch, ngày đông nhất lên đến 4.089 bệnh nhân (ngày 16/07); bệnh nhân nặng là 176 bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn (oxy canula, oxy mặt nạ, HFNC, CPAP, thở máy, sử dụng vận mạch …). Các phác đồ chuyên môn được cập nhật liên tục theo hướng dẫn của Bộ Y Tế, Sở Y tế TPHCM, ban hành và huấn luyện liên tục trong suốt quá trình hoạt động. Chú trọng trong việc chủ động phối hợp với TTYT Quận/huyên trong việc thu dung sớm các trường hợp F0 lớn tuổi, có bệnh nền, có nguy cơ cao chuyển nặng; sàng lọc và theo dõi sát để phát hiện sớm dấu hiệu diễn tiến để điều trị sớm các thuốc kháng đông, kháng viêm, kháng virus (Molnupivarir, Remdesivir). Thực hiện đầy đủ công tác hành chánh, cập nhật báo cáo Sở Y tế và Bộ Y tế.
Bệnh viện được hỗ trợ trưng dụng 4 trường học làm 2 trụ sở hành chính và 4 khu ở cho nhân viên y tế và dân quân, tách biệt rõ các vùng đỏ, vàng và xanh. Xây dựng các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn cho bệnh viện dã chiến, quy trình phối hợp xử lý rác, tập huấn định kỳ cho tất cả nhân viên, ngay thời điểm bắt đầu và trong quá trình công tác. Công tác giám sát được thực hiện và báo cáo mỗi ngày để kịp thời điều chỉnh. Triển khai 5 đợt tiêm chủng vaccin ngừa Covid cho đối tượng nhân viên y tế, dân quân và thân nhân với tổng cộng 642 mũi tiêm, đến ngày 29/07 đảm bảo 100% nhân viên y tế được tiêm 2 mũi, đến ngày 31/08 đảm bảo 100% dân quân được tiêm 2 mũi. Tổ chức xét nghiệm PCR Covid định kỳ 2 lần mỗi tuần nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm. Bệnh viện tổ chức mạng lưới cung cấp suất ăn đến từng bệnh nhân và nhân viên y tế; mỗi ngày gồm bữa sáng, trưa, tối; tổng 792.084 suất cho bệnh nhân và 157.199 cho nhân viên y tế. Ngoài ra bệnh viện còn cung cấp thêm các bữa ăn phụ, sữa, cháo, bánh, các loại nước … Với nhân viên y tế, bệnh viện tổ chức “Amazing Day” một ngày mỗi tuần với suất ăn đặc biệt.
Bệnh viện còn tổ chức các hoạt động như trình diễn văn nghệ, cuộc thi làm lồng đèn, rước đèn trung thu, múa lân … để hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Ngoài ra bệnh viện còn tiếp nhận các nhóm tình nguyện viên F0 để cùng nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân được toàn diện hơn, tốt hơn đặc biệt nhóm bệnh nhân nặng, bệnh nhân lớn tuổi, neo đơn. Các bệnh nhân xuất viện đều được các chuyến xe miễn phí, xe 0 đồng đưa về.
Trong suốt 100 ngày hoạt động, đã có 53 nhân viên (gồm 20 nhân viên y tế và 33 dân quân) bị phơi nhiễm, chiếm tỉ lệ 6,6%. Tất cả đều được điều trị, quan tâm chăm sóc và khỏi bệnh, khoẻ mạnh.
Xin chào “Bệnh viện dã chiến số 4” !
Các block nhà tái định cư được sử dụng làm Bệnh viện dã chiến số 4