Bệnh đậu mùa khỉ những điều cần lưu ý

Bệnh lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp và các bề mặt bị nhiễm vi rút như chăn, ga, gối, đệm, … từ người bệnh. Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6 đến 13 ngày nhưng cũng có thể từ 5 đến 21 ngày.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), triệu chứng phát ban liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến mụn nước hoặc mụn mủ nằm sâu, chắc hoặc cứng, các tổn thương có thể lõm xuống hoặc tụ lại và tiến triển thành vảy theo thời gian. Các triệu chứng biểu hiện thường bao gồm sốt, ớn lạnh, phát ban đặc biệt hoặc nổi hạch mới, …

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ: Phát ban với mụn nước trên mặt, bàn tay, bàn chân, mắt, miệng và/hoặc bộ phận sinh dục; sốt; sưng hạch bạch huyết; nhức đầu; đau cơ; năng lượng thấp. Có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ nếu tiếp xúc gần gũi với người đang có triệu chứng. Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc da kề da khi quan hệ tình dục.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể chuyển nặng ở một số người, chẳng hạn như trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch do các tình trạng sức khỏe khác.

Qua đó, WHO đã đưa ra một số lời khuyên nhằm phòng ngừa và kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ bao gồm:

-Phòng ngừa: Cách ly ở nhà và liên hệ với nhân viên y tế nếu bạn có các triệu chứng. Tránh tiếp xúc da kề da hoặc mặt đối mặt, kể cả quan hệ tình dục với bất kỳ ai có triệu chứng. Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn, vệ sinh đồ vật và bề mặt tiếp xúc; đeo khẩu trang nếu bạn tiếp xúc gần với người có triệu chứng.

-Phát hiện và chăm sóc: Bất kỳ ai có các biểu hiện nghi ngờ như phát ban không rõ nguyên nhân, sốt, nổi hạch, suy nhược, … cần liên hệ với cở sở y tế để được chẩn đoán xác định bệnh. Bất kỳ ai chăm sóc một người bị bệnh đậu mùa khỉ nên sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân thích hợp bao gồm đeo khẩu trang, lau chùi các đồ vật và bề mặt mà người bệnh đã chạm vào.

Phòng Quản lý chất lượng
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố