Bài dự thi cuộc thi viết ‘Khoảnh khắc nghề y’: Vợ tôi là một y tá – Báo Thanh Niên

“Vợ tôi chẳng làm gì cả” – đó là cách mà tôi phán xét cô ấy khi chúng tôi bước vào cuộc sống hôn nhân. Khoảng thời gian đầu chung sống thật tệ hại, thay vì tận hưởng hương vị ngọt ngào, ấm áp của tình yêu thì xích mích, cãi vả liên tục xuất hiện. Chỉ vì một lý do rất đơn giản: vợ tôi là y tá.

Chẳng biết có phải vì mẹ nuôi của tôi cũng làm trong ngành y hay không, mà tôi có thiện cảm rất lớn với những cô gái học ngành y. Có một cái gì đó ân cần, chu đáo và hết sức nhẹ nhàng. Chuyện tình của tôi bắt đầu rất tình cờ, tôi quen cô ấy trong một lần va quẹt xe trước cổng trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa. Tìm đủ mọi cách, tôi cũng biết được cô ấy tên là Ngọc Bích (sinh viên lớp Điều dưỡng khóa 5 của trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa).

Hai năm theo đuổi đầy thử thách và chông gai, Bích cũng đã chấp nhận lời tỏ tình của tôi và chúng tôi chính thức công khai với mọi người. Tình yêu cứ lớn dần lên theo thời gian và tôi đã lấy hết dùng khí để cầu hôn Bích. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc khi đó – cái khoảnh khắc mà Bích nhẹ nhàng nói hai từ “đồng ý”. Niềm vui càng nhân đôi khi sau đó vài tháng, Bích đã xin được việc tại Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, Tuy công việc bận đến mấy thì Bích vẫn dành thời gian ít ỏi cho tôi.

Thế là cuộc sống hôn nhân của chúng tôi bắt đầu. Nhưng đó cũng là lúc tôi nhận ra sau tình yêu nồng cháy còn là trách nhiệm và sự sẻ chia. Tôi đã từng nghe nói làm chồng của y tá hay bác sĩ lúc nào cũng chịu nhiều thiệt thòi và vất vả. Tôi chẳng hề quan tâm đến điều đó. Với công việc của một y tá, cứ ba ngày lại có một ngày trực đêm, mười tiếng đồng hồ đầy áp lực.

Hầu hết tôi chưa bao giờ gặp được Bích trước khi đi làm vì Bích phải làm ca sáng và tôi phải lên giường một mình vào buổi đêm khi Bích làm ca tối. Xong công việc ở cơ quan trở về nhà, tôi cần lắm một lời hỏi han, một cái ôm và một bữa ăn đạm bạc do chính tay Bích nấu nhưng sao khó quá. Hiếm hoi lắm, hai vợ chồng cùng có mặt ở nhà, tôi thật sự muốn thể hiện tình cảm của mình dành cho vợ, nhưng chỉ cần hỏi: “Công việc hôm nay của em thế nào?”. Câu trả lời mà tôi nhận được chỉ là một cái nhún vai, tặc lưỡi, cau mặt, thậm chí là những biểu hiện kì quặc và kèm theo hàng tá câu kể lể về những việc xảy ra trong bệnh viện. Đó không phải là câu trả lời mà tôi cần, điều quan tâm của tôi chính là sức khỏe và tình cảm của Bích dành cho mình.

Những lần lên kế hoạch đi chơi xa đều phải hoãn lại vì hầu như Bích vẫn phải làm việc cuối tuần, hay khi đồng nghiệp có công việc bận đột xuất thì Bích cũng sẵn sàng làm thay.

Nhưng cuộc sống vốn luôn tồn tại những điều nghịch lý, nếu tôi không tận mắt chứng kiến công việc của Bích thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được.

Bởi, khi tôi được ngồi ăn cơm đúng giờ cũng là lúc Bích phải túc trực bên cạnh bệnh nhân, quên đi cả cơn đói đang cồn cào. Chỉ khi bệnh nhân đã ổn định thì bữa cơm trưa hay cơm tối cũng đã nguội lạnh vì quá giờ ăn.

Bởi, khi tôi hỏi thì Bích chẳng trả lời theo đúng ý thích của tôi, vì tại bệnh viện chỉ có làm việc căng thẳng và mệt mỏi. Những câu chuyện vui hiếm hoi lắm mới xuất hiện. Nếu có cũng sẽ trôi qua nhanh như một cái chợt cười chả ai để ý đến.

Bởi, khi lên kế hoạch đi chơi xa, Bích phải gác niềm vui của bản thân sang một bên vì công việc ở bệnh viện còn quá nhiều và không ngơi nghỉ. Khái niệm được nghỉ phép hay nghỉ bù thật quá “xa xỉ” với những y tá làm việc tại khoa cấp cứu. Niềm vui duy nhất của Bích và các đồng nghiệp cũng chỉ mong đến ca trực, có ít bệnh nhân và không có trường hợp nào diễn tiến xấu.

Bởi, khi tôi được nằm ngủ ngon trên giường thì giấc ngủ của Bích vỏn vẹn 30 phút hoặc ít hơn thế, chỉ là tranh thủ khi không có bệnh nhân nhập viện mới dám chợp mắt.

Có thể công việc của y tá không yêu cầu trình độ học vấn phải cao như bác sĩ hay viện trưởng và tiền đồ thăng tiến cũng không khả quan là bao. Nhưng vai trò của các y tá là vô cùng quan trọng. Ở họ lúc nào cũng sáng lên một cái tâm đầy y đức, tận tình cứu chữa bệnh nhân.

Tôi đã sai khi đánh giá vội vàng công việc của người vợ mà tôi yêu thương. Bởi những người như Bích đã dành toàn bộ thời gian cho công việc, hi sinh khoảng thời gian hạnh phúc bên gia đình nhỏ. Nếu ai có hỏi vợ tôi làm nghề gì? Tôi sẽ không ngại ngần nói rằng: “Vợ tôi chẳng làm gì cả…Vì cô ấy đã và đang làm một công việc hết sức thiêng liêng và đầy trách nhiệm, cần sự cảm thông từ gia đình… Vợ tôi là một y tá”.

Nguồn: Báo Thanh Niên