Phác đồ điều trị Dị vật mũi

I. ĐẠI CƯƠNG
– Dị vật mũi là sự hiện diện vật lạ trong hốc mũi có thể gây tắc nghẽn, tổn thương mũi. Đây là cấp cứu tai mũi họng
– Nguyên nhân do trẻ nhét vật lạ, đồ chơi vào mũi. Dị vật thường là đồ chơi nhỏ, mảnh giấy, viên bi, cục pin nhỏ, cục nam châm nhỏ, hột nút, hạt đậu…

II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
– Hoàn cảnh xuất hiện trẻ đang nhét vật lạ vào mũi.
– Thời điểm bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
– Sơ cứu.
1.2. Khám lâm sàng
– Nghẹt mũi
– Triệu chứng mũi: thường xuất hiện một bên mũi
o Có mùi hôi.
o Đau mũi.
o Chảy dịch hoặc mủ.
o Không hít thở được.
o Không nhận biết mùi.
o Chảy máu mũi.
– Triệu chứng khác: Thở miệng, sốt
– Khám mũi: thấy dị vật nằm ở 1 bên mũi bằng banh mũi và đèn clar hoặc qua nội soi khi dị vật nằm sâu trong mũi.
– Tìm biến chứng:
o Viêm mũi xoang.
o Viêm tai giữa.
o Dị vật di chuyển rồi vào khí quản gây ngạt thở.
o Viêm mô tế bào quanh hốc mắt.
o Đau, sưng mặt.
1.3. Cận lâm sàng: Xquang mũi nghiêng khi nghi ngờ dị vật cản quang trên lâm sàng.
2. Chẩn đoán xác định: Triệu chứng lâm sàng và khám mũi thấy dị vật nằm ở 1 bên mũi.
3. Chẩn đoán phân biệt
– Viêm mũi xoang.
– Viêm hô hấp trên.
– Viêm mũi dị ứng.

III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
– Soi lấy dị vật sớm.
– Điều trị biến chứng.
2. Tiêu chuẩn nhập viện: phải nhập viện để gây mê lấy dị vật khi có một trong các tiêu chuẩn sau
– Dị vật mũi nằm sâu trong mũi.
– Dị vật có móc.
– Dị vật xuyên thấu.
– Trẻ không hợp tác.
– Chảy máu mũi ở lần lấy dị vật đầu tiên.

3. Soi lấy dị vật sớm
– Soi lấy dị vật cấp cứu trường hợp dị vật lạ là chất ăn mòn như cục pin điện tử vì để lâu sẽ bị loét hoại tử mũi.
– Soi lấy dị vật mũi:
+ Xem xét nhỏ mũi với Lidocaine 2 – 4% và thuốc co mạch Xylometazoline 0,5% để giảm đau và phù nề.
+ Dụng cụ: banh mũi, đèn clar, bộ nội soi tai mũi họng, dụng cụ chuyên dụng.
+ Kỹ thuật:
• Banh mũi với speculum.
• Thấy dị vật.
• Dùng dụng cụ lấy chuyên dụng luồn ra phía sau dị vật, đưa dị vật ra ngoài.

4. Thuốc giảm đau sau thủ thuật: paracetamol 10mg/kg/lần.
5. Nhỏ mũi, rửa mũi với Natriclorua 0,9%.
6. Kháng sinh uống nếu có nhiễm khuẩn mũi hoặc khi có chảy máu mũi.
7. Điều trị biến chứng.
IV. PHÒNG NGỪA: Hướng dẫn trẻ không cho vật nhỏ vào mũi.

 

 

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ