Vượt qua nỗi sợ

Vào dịp sinh nhật 3 tuổi, bác tặng cho cậu bé một món quà đặc biệt. Một con rô bốt với đôi mắt nhấp nháy, phát ra tiếng kêu bíp bíp. Cậu bé hoảng hốt: “Mẹ ơi! Con sợ con rô bốt” và chạy ra khỏi phòng. Người bác khéo léo đặt con rô bốt ở một gốc phòng. Bác ôm cậu bé vào lòng và nói chuyện với cậu bé. Bác gợi ý, giúp đỡ, chỉ dẫn cậu bé làm bạn với rô bốt. Sau một cái ôm trấn an, cậu bé đã sẵn sàng chạm vào bạn người máy. Tiếp theo đó, cậu bé quấn rô bốt vào trong một chiếc chăn và bế như một đứa trẻ. Bác của cậu bé rất vui. Người mẹ thở phào nhẹ nhõm. Người mẹ nghĩ con trai của cô ấy đã tiến một bước nữa trong việc học cách ứng phó với điều gì đó được gọi tên đó là nỗi sợ.
Phản ứng sợ hãi ở trẻ em là một cảm xúc, giúp trẻ thận trọng với những điều mới, ồn ào, to lớn, hoặc khác biệt.
Trẻ em cảm thấy sợ gì?


Một số nỗi sợ hãi phổ biến ở một số độ tuổi nhất định ở trẻ.
• Trẻ sơ sinh từ 5 đến 12 tháng tuổi sợ những đồ vật tiến về phía mình và những tiếng động đột ngột. Trẻ sợ người lạ, có thể khóc, bám vào cha mẹ để cảm thấy an toàn.
• Trẻ mới biết đi cảm thấy lo lắng về sự chia ly. Vào khoảng thời gian từ 10 tháng đến 2 tuổi, nhiều trẻ mới biết đi, bắt đầu sợ phải xa cách cha mẹ. Trẻ không muốn cha mẹ đưa đi nhà trẻ hoặc đi ngủ. Chúng có thể khóc, bám lấy và cố gắng ở gần cha mẹ.
• Đối với trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi có nỗi sợ hãi về động vật, rắn, bóng tối và quái vật. Ở độ tuổi này, không phải lúc nào trẻ cũng có thể phân biệt được đâu là hiện thực và đâu là tưởng tượng. Đối với trẻ, những con quái vật đáng sợ mà trẻ tưởng tượng dường như có thật. Trẻ sợ những gì có thể nằm dưới giường hoặc trong tủ quần áo. Nhiều trẻ sợ bóng tối và khi đi ngủ. Một số trẻ sợ những giấc mơ. Trẻ nhỏ cũng có thể sợ những tiếng động lớn, như sấm sét hoặc pháo hoa.
• Những đứa trẻ lớn hơn sợ những nguy hiểm trong cuộc sống. Khi trẻ từ 7 tuổi trở lên, quái vật dưới giường không thể khiến chúng sợ (nhiều) vì trẻ biết chúng không có thật. Trẻ có thể sợ hãi khi “kẻ xấu” đột nhập vào nhà. Trẻ có thể cảm thấy sợ hãi về những thảm họa thiên nhiên mà trẻ được nghe. Trẻ sợ bị thương, bệnh tật hoặc mất người thân. Trẻ đi học cũng có thể cảm thấy lo lắng về bài vở, điểm số hoặc hòa nhập với bạn bè.
• Trẻ 10 tuổi đến 12 tuổi, trẻ em thường sợ độ cao, sự tức giận của cha mẹ, học tập, mối quan hệ bạn bè và khả năng xảy ra thảm họa.
• Thanh thiếu niên lớn hơn có xu hướng bày tỏ nỗi sợ hãi về những thay đổi trong cơ thể, ngoại hình của bản thân, sự cô lập, tình dục và các sự kiện trên thế giới. Trẻ có thể cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi khi báo cáo ở lớp, bắt đầu tham gia môi trường mới, tham gia một kỳ thi lớn hoặc những trò chơi mang tính chất thử thách.
Dù cha mẹ làm gì, không nên ép trẻ phải đối mặt với nỗi sợ, trừ khi chúng muốn. Ví dụ, trẻ sợ rắn nếu đưa những đứa trẻ sợ rắn vào một căn phòng đầy rắn mà không chuẩn bị cho chúng trải nghiệm.
Khi trẻ sợ hãi, cha mẹ có thể giúp trẻ bằng những điều sau


• Hãy an ủi trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi hoặc trẻ nhỏ bằng cách nói: “Không sao đâu, con an toàn rồi, mẹ ở đây.” Hãy cho trẻ biết cha mẹ của chúng đang ở bên cạnh để bảo vệ chúng. Cha mẹ giúp trẻ làm quen với người lạ khi cha mẹ bế bé. Hãy ôm và thủ thỉ những lời dịu dàng để giúp trẻ cảm thấy an toàn.
• Ở trẻ lớn hơn, hãy lắng nghe và trao đổi về điều trẻ đang gặp phải, giúp trẻ diễn đạt cảm xúc của bản thân.
• Hãy để trẻ xa cha mẹ trong thời gian ngắn. Khi cha mẹ tạm chia tay trẻ, hãy nói cha mẹ sẽ quay lại, mỉm cười và ôm trẻ. Hãy để trẻ cảm nhận cha mẹ luôn quay trở lại.
• Đối với trẻ sợ bóng tối, hãy chuẩn bị thói quen đi ngủ lành mạnh. Cha mẹ có thể đọc truyện hoặc hát cho trẻ nghe. Hãy để trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương.
• Giúp trẻ từ từ đối mặt với nỗi sợ. Ví dụ, cùng nhau kiểm tra những con quái vật dưới gầm giường. Khi có cha mẹ ở bên để hỗ trợ, hãy để trẻ tự thấy, quan sát, giúp trẻ cảm nhận được sự can đảm của mình.
• Kiểm soát những hình ảnh, phim hoặc chương trình đáng sợ mà trẻ xem. Những điều này có thể gây ra nỗi sợ.
• Giúp trẻ em và thanh thiếu niên học cách chuẩn bị cho các thử thách, như bài kiểm tra hoặc báo cáo trước lớp học. Hãy cho trẻ biết cha mẹ tin tưởng vào trẻ.
Hầu hết trẻ em ứng phó với nỗi sợ với sự hỗ trợ của cha mẹ. Khi lớn lên, trẻ vượt qua nỗi sợ hãi khi còn nhỏ. Một số trẻ gặp khó khăn hơn và cần được giúp đỡ nhiều hơn với nỗi sợ. Nếu nỗi sợ hãi tột độ hoặc khiến trẻ không thể tham gia những công việc trong cuộc sống hằng ngày, đó có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu. Cha mẹ cần trao đổi, để được sự hỗ trợ của bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tâm lý nếu nỗi sợ của trẻ:
• Trẻ rất khó chịu hoặc nổi cơn thịnh nộ
• Trẻ không muốn đi học, không dám ngủ một mình, gặp ác mộng
• Các triệu chứng về thể chất như đau bụng, đau đầu hoặc tim đập nhanh hoặc trẻ cảm thấy khó thở,…

Tài liệu tham khảo:
1. Helping Kids Get Over their Fears – Health Encyclopedia – University of Rochester Medical Center
2. https://psychcentral.com/blog/7-ways-to-help-a-child-with-fear
3. https://www.heysigmund.com/phobias-and-fears-in-children/
4.https://www.kidspot.com.au/parenting/child/child-behaviour/8-ways-to-help-your-child-overcome-their-fears/news-story
5 .https://kidshealth.org/en/parents/anxiety.html

CHUYÊN GIA TÂM LÝ NGUYỄN THỊ MỸ DUNG
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố