Vẽ tranh để chữa lành tâm lý

Chuyên đề: Trị liệu nghệ thuật (Kỳ 1)

Tại Việt Nam, sức khỏe tinh thần (mental health) ngày càng được chú trọng trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho con người. Đặc biệt, ở môi trường bệnh viện nhi, vấn đề thực hành tâm lý lâm sàng với các mô hình can thiệp, trị liệu tâm lý cho trẻ và gia đình cũng đang được phát triển mạnh mẽ. Một trong những liệu pháp đang được triển khai thực hiện tại đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là ‘Trị liệu Nghệ thuật’ (Art Therapy) dành cho bệnh nhi và thân nhân. Thông qua các công cụ trung gia như giấy vẽ, màu sắc, đất nặn… tạo không gian để người tham gia có cơ hội thể hiện nội tâm, giải tỏa cảm xúc. Nhờ đó, tâm lý gia cũng có thể tác động trị liệu cho bệnh nhân của mình một cách an toàn và tích cực.
ĐI QUA ĐAU THƯƠNG BẰNG NÉT VẼ
Liệu pháp nghệ thuật là một trường phái trị liệu trong trị liệu tâm lý đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Thông qua các sản phẩm trung gian như tranh vẽ, bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận và kiểm soát những ký ức bị thương tổn đã trải qua và làm việc với sự tự tin của bản thân (Collie, K. và cộng sự, 2006). Đặc biệt, đối tượng bệnh nhi với đặc thù một số trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh về ngôn ngữ, thì thông qua trị liệu nghệ thuật trẻ có cơ hội diễn tả các suy nghĩ, cảm xúc một cách thoải mái và an toàn.

Ngoài ra, liệu pháp nghệ thuật như tranh vẽ được xem như phương tiện phi ngôn ngữ để truyền đạt cảm xúc, hành vi và suy nghĩ (Malchiodi, C.A., 2012). Từ cơ sở lý luận đó, đơn vị Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã áp dụng trị liệu nghệ thuật trong thực hành tâm lý lâm sàng cho đối tượng bệnh nhi và thân nhân.
Bút màu, đất nặn, giấy thủ công… là những chất liệu quen thuộc với trẻ khi chơi tại gia đình hay hoạt động tại trường lớp cùng bạn bè. Vì thế, khi tiếp xúc với những chất liệu trên, trẻ dễ dàng tìm được sự thoải mái và mau chóng hợp tác thực hiện tác phẩm của mình. Thông qua quá trình trị liệu tâm lý với tranh vẽ, trẻ dần ý thức và nối kết được với các chủ đề khó khăn của bản thân. Trẻ có thể được gợi ý để vẽ về hình ảnh gia đình, cha mẹ, bạn bè hoặc các biểu tượng như cái cây, ngôi nhà. Nhờ vào các trung gian biểu tượng, hình ảnh, họa tiết trong trị liệu nghệ thuật, trẻ có cơ hội để diễn tả sự thật bản thân, cảm xúc bị tổn thương mà ngôn ngữ khó diễn tả bằng lời. (Collie, K. và cộng sự, 2006).

Trong một số trường hợp, khi trẻ trải qua sang chấn lớn như bị xâm hại hay tai nạn nghiêm trọng, việc nhắc lại biến cố có thể gây nên những phản ứng mạnh mẽ và tiêu cực. Nhờ vào trị liệu nghệ thuật, trẻ có cơ hội được khuyến khích diễn tả các cảm xúc, đối diện với sang chấn và đi đến tiến trình chữa lành nội tâm.
Những cảm xúc mạnh và ít được chấp nhận nơi mỗi người như tức giận, lo âu, kinh tởm, buồn bã cũng có thể được bộc lộ và làm việc thông qua sản phẩm nghệ thuật của bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu của Collie năm 2006 đã chỉ ra liệu pháp nghệ thuật rất có hiệu quả với những bệnh nhân có khuynh hướng lo âu, tức giận.

Tuổi thơ luôn gắn liền với các hoạt động vui chơi và sáng tạo. Vì thế, trị liệu tâm lý cho trẻ thơ cũng phải cần ‘hồn nhiên’ và sáng tạo như thế. Với trị liệu nghệ thuật và các kỹ thuật chuyên môn của các nhà tâm lý, trẻ em sẽ được bước vào không gian dành riêng cho mình, vừa thân thuộc nhưng cũng không kém phần thú vị.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố