Tìm hiểu các dấu hiệu và cách can thiệp sớm

Chuyện kể rằng có cậu bé nọ hỏi cha mình một giờ làm được bao nhiêu tiền. Người cha trả lời được 20 đôla. Cậu bé xin người cha 10 đôla, người cha cho con trai số tiền cậu xin.

Khi đó, cậu bé mừng rỡ chạy vào phòng, lát sau cậu chạy ra với niềm hoan hỉ, con đã đủ rồi, đã có đủ số tiền… Người cha ngạc nhiên hỏi: con cần dùng gì với 20 đôla đó?

Cậu con trai trả lời: con sẽ đưa cha 20 đôla để cha dành một giờ ở bên con, chơi cùng con!

Với cuộc sống bận rộn ngày hôm nay, các bậc cha mẹ rất khó có thể dành thời gian bên con nhưng nguyên tắc tận hưởng thời gian bên con là một nguyên tắc quan trọng trong giáo dục con cái cũng như phát triển đời sống tinh thần cho con. Mục đích cũng như ý nghĩa của việc dành thời gian cho con chính là cha mẹ có cơ hội để hiểu về con cái. Cụ thể, thời gian bên con giúp cha mẹ tìm hiểu cách các con nhìn nhận thế giới và những điều làm các con ngạc nhiên, buồn bã, tổn thương, vui vẻ, thích thú, chán ghét hoặc kích thích sự khám phá, tìm tòi của trẻ thông qua việc trò chuyện và cùng nhau tham gia các hoạt động ngoài trời. Ngôi nhà chính là mái trường đầu tiên và cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Bởi vì cha mẹ không chỉ là người thường xuyên gần gũi với trẻ, mà còn có quan hệ huyết thống, cha mẹ là người hiểu con cái nhất, nắm rõ tâm tư tình cảm của trẻ, sở trường, sở đoản, đam mê sở thích, trí lực và thể lực của con trẻ. Trong quá trình sống cùng trẻ, qua sinh hoạt hàng ngày, cha và mẹ quan sát và đồng hành cùng con từ những bước đi đầu tiên và “ba ba”, “mama” cũng là âm thanh đầu tiên con phát ra khi đứa bé bắt đầu bập bẹ nói.

Sự theo sát của cha mẹ là món quà yêu thương tuyệt vời nhất dành cho trẻ (ảnh minh họa)

Với sự phát triển của các phương tiện công nghệ, cha mẹ có điều kiện tiếp xúc với nhiều thông tin hơn trong cuộc sống. Vì thế, sự trang bị kiến thức của cha mẹ hiện đại đối với mảng nuôi con cũng đã tốt hơn trước rất nhiều. Cũng nhờ vậy mà khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ như chậm nói, thích chơi một mình, không nhìn thẳng vào mắt người khác, không đáp ứng khi được gọi tên và có những hanh vi rập khuôn…cha mẹ đã biết đưa con đến khám nhi khoa, tâm lý thay vì quy chụp cho những nguyên do tâm linh như trước đây. Nhiều vấn đề phát triển và y khoa có thể được điều trị tốt nếu được phát hiện sớm. Trẻ em với khuyết tật và các nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt cũng có thể hưởng lợi từ sự theo dõi sát của sự phát triển não sớm. Trước thực trạng đó, việc phát hiện sớm trẻ có những dấu hiệu tự kỷ là vô cùng quan trọng. Càng phát hiện sớm trẻ tự kỷ, chúng ta càng có cơ hội can thiệp sớm, bằng cách nâng đỡ, hướng dẫn, chia sẻ, đồng cảm. Phát hiện sớm là sàng lọc phát triển của trẻ theo độ tuổi nhằm phát hiện những trẻ có nguy cơ bị tự kỷ để có biện pháp hỗ trợ và can thiệp kịp thời. Giai đoạn để phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác các rối loạn phổ tự kỷ là từ 18 – 36 tháng tuổi, đối tượng phát hiện sớm và can thiệp sớm là trước 5 tuổi, nhưng thực tế cho thấy can thiệp trước 3 tuổi mới có hiệu quả và càng sớm càng tốt.

Mục tiêu của can thiệp sớm là phát triển tối đa các giác quan để hỗ trợ khả năng nhận thức và học tập của trẻ, giúp trẻ thích nghi được với cuộc sống sinh hoặt hàng ngày và hòa nhập với cộng đồng.

Không ai yêu con bằng cha mẹ (ảnh minh họa)

Làm cha mẹ thật không dễ dàng, bởi lẽ chúng ta không chỉ yêu thương và chăm sóc, mà phải yêu thương và chăm sóc đúng cách. Vì vậy, để giúp trẻ lớn lên một cách lành mạnh, cha mẹ cần có một số kỹ năng như: nuôi dưỡng, hướng dẫn, bảo vệ, chia sẻ và làm gương cho trẻ, dành thời gian cho trẻ và nhận biết các vấn đề và tìm sự giúp đỡ khi cần là một trong những kỹ năng cha mẹ cần có để có thể giúp con khởi đầu cuộc sống tốt nhất. Muốn vậy cha mẹ cần nhìn nhận sự phát triển của con em và hướng dẫn các trẻ trong từng giai đoạn tuổi từ 0-5 tuổi. Bố mẹ, người trong gia đình, người chăm sóc trẻ, giáo viên khi thấy trẻ có dấu hiệu phát triển chậm hoặc khác thường về tương tác xã hội, giao tiếp, hành vi nên đưa trẻ đi khám sớm. Nếu phát hiện và can thiệp muộn hiệu quả sẽ rất thấp.

Thực tế cho thấy, giữa cha mẹ và con cái có mối liên kết thiêng liêng, là những món quà vô giá. Chơi đùa không chỉ giúp trẻ gắn kết yêu thương với bố mẹ mà còn giúp trẻ phát triển trí thông minh và hoàn thiện nhiều kĩ năng quan trọng trong cuộc đời: tạo không gian giải trí, thúc đẩy cân bằng cảm xúc, giải phóng năng lượng, phát triển cảm xúc và tư duy. Không ai có thể phủ nhận được vai trò của các loại đồ chơi trẻ em đối với quá trình phát triển của bé. Vui chơi không chỉ là nhu cầu tự nhiên của trẻ mà còn là con đường để bé tăng cường thể chất, mở rộng thế giới quan, nhận biết và biểu lộ cảm xúc, hòa nhập cộng đồng tốt và trí thông minh của trẻ cũng được tăng cường Cha mẹ lựa chọn những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ sẽ rất có ích trong việc phát triển các kỹ năng riêng trong từng giai đoạn tuổi của bé.

Những phút được chơi cùng bố mẹ thực sự có ý nghĩa với sự lớn lên về mặt cảm xúc và tâm hồn của con. (ảnh minh họa)

Thời gian cho con là một sự đầu tư để con cái không xa cách với mình, như thế, sau này sẽ gắn kết tình cảm với con cái nhiều hơn và không phải hối tiếc vì đã quá tham công tiếc việc mà “bỏ rơi” con – nhất là đến một ngày nào đó chúng đi quá xa vòng tay mình mới giật mình một cách muộn màng!

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Tài liệu tham khảo

  1. https://kynangnhanvienyte.org
  2. Để con được lớn khôn – BS Phạm Ngọc Thanh
  3. Chăm sóc trẻ từ 0-5 tuổi – Trích dịch và biên tâp BS. Phạm Ngọc Thanh