Thoát vị bẹn ở trẻ em

Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị bẹn trẻ em là hiện tượng thoát vị xảy ra ở vùng bẹn. Đây là bệnh bẩm sinh do còn tồn tại ống phúc tinh mạc. Ống phúc tinh mạc kéo dài từ bụng của trẻ đến bộ phận sinh dục.

Điều này để lại một lỗ hổng làm cho ruột của trẻ có xu hướng trượt xuống. Ba mẹ có thể nhìn và sờ thấy một khối phồng ở bẹn hoặc bìu của con và khối phồng thường xuất hiện khi trẻ khóc, ho hoặc chạy chơi.

Thoát vị bẹn thường chỉ xuất hiện ở một bên bẹn. Bên phải thường gặp hơn bên trái. Khoảng 10% trường hợp thoát vị bẹn gặp ở cả hai bên.

Thoát vị bẹn có thể gặp trên đối tượng nào?

Thoát vị bẹn có thể gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi, trẻ nhỏ và người lớn. Ở trẻ nhỏ, phổ biến nhất trẻ ở độ tuổi dưới 6 tuổi và trẻ sinh non thường gặp hơn trẻ đủ tháng.

Thoát vị bẹn có nguy hiểm không?

Các biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu trẻ không được điều trị:·

Thoát vị bẹn kẹt: Thoát vị bẹn kẹt xảy ra khi thành phần thoát vị (ruột, mạc nối) của khối thoát vị bị mắc kẹt. Điều này xảy ra khi không thể đẩy khối thoát vị trở lại vào bụng của trẻ được.·

Thoát vị bẹn nghẹt: Khi thoát vị bẹn kẹt, có thể xảy ra hiện tượng nghẹt. Điều này có nghĩa là nguồn máu nuôi cho đoạn ruột trong khối thoát vị bị mất dẫn đến thúi, hoại tử đoạn ruột đó. Đây là biến chứng nghiêm trọng và đau đớn cần được mổ cấp cứu.

Triệu chứng·     

Triệu chứng chính: một khối phồng có thể nhìn thấy ở bẹn hoặc bìu. Khối phồng này có thể lớn hơn sau khi trẻ khóc, có thể nhỏ lại hoặc biến mất khi trẻ thư giãn hoặc ngủ.·

Đau và khó chịu, cải thiện khi nghỉ ngơi.

Nếu trẻ bị thoát vị nghẹt hoặc thoát vị bẹn kẹt, đó là một trường hợp cấp cứu y tế. Ba mẹ đưa trẻ đi khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Đau dữ dội hoặc khóc thét
  • Đỏ và bầm tím xung quanh vị trí phồng
  • Khối phồng tăng kích thước
  • Sốt
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Phân có máu

Điều trị

Trẻ sẽ được phẫu thuật để điều trị thoát vị bẹn và có thể về nhà cùng ngày sau khi được phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường mổ nhỏ tại vị trí bụng dưới của trẻ. Tạng thoát vị (ruột, mỡ chài, buồng trứng…) được đưa trở lại vào ổ bụng. Sau đó đóng lỗ trong ống bẹn để ngăn ngừa thoát vị.

Sau phẫu thuật con bạn có thể về nhà vài giờ sau khi phẫu thuật. Nếu trẻ có vấn đề khác cần theo dõi thêm, bác sĩ có thể cho trẻ nhập viện. Sau 3 đến 7 ngày, trẻ sẽ được tái khám để đánh giá tình trạng vết mổ.

Khoa Ngoại tổng hợp
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố