Trẻ lên ba, cả nhà lo … Chậm nói

Theo truyền thuyết Thánh Gióng, cậu bé ở làng Phù Đổng đã ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười. Đến khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, cậu bé bỗng lên tiếng gọi mẹ nhờ mời sứ giả nhà vua vào để trình bày ước muốn đi đánh giặc. Đó là một truyền thuyết nhằm nói đến lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Thế nhưng trong thực tế, một đứa trẻ lên ba tuổi mà vẫn chưa biết nói lại là một dấu hiệu bất thường đáng lưu ý.

KHI NÀO XÁC ĐỊNH TRẺ CHẬM NÓI?

Nhiều phụ huynh thường có băn khoăn về việc con mình chậm biết nói. Để biết một trẻ có chậm nói hay không, cần phải  xác định được thời điểm trẻ nói được từ đầu tiên. Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề một trẻ ‘thụ đắc’ ngôn ngữ mẹ đẻ. Những người theo chủ nghĩa hành vi giải thích rằng quá trình thụ đắc ngôn ngữ ở trẻ em là quá trình bắt chước và lặp lại những gì nghe được từ người lớn. Vì thế cha mẹ hay người chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.

Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ lặp lại các từ của ba mẹ hay phát ra những âm thanh  vô nghĩa thì đó chỉ là những âm thanh bập bẹ. Chỉ khi một trẻ tự nói và nói đúng đối tượng, hoàn cảnh giao tiếp mới có thể xác định trẻ biết nói từ đầu tiên. Thông thường một trẻ ở độ tuổi 10 – 12 tháng sẽ bắt đầu tiến trình nói từ đầu tiên.

Tại thời điểm này, trẻ có thể tự nói “ba ba” hay “ma ma” với mục đích để gọi cha mẹ. Sau đó số từ vựng của trẻ dần được gia tăng và có thể nói cụm 2 từ. Lên hai tuổi, trẻ có thể nói được ít nhất 50 từ và một số câu ngắn. Khi đạt mốc ba tuổi, trẻ sẽ nói được tên của mình khi được hỏi, hát được một số bài hát thiếu nhi quen thuộc và đặt các câu hỏi nghi vấn trong quá trình vui chơi, khám phá môi trường xung quanh.[1]

NGUY CƠ BẤT THƯỜNG KHI TRẺ CHẬM NÓI

Chậm nói ở trẻ em có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều nguy cơ các rối loạn khác nhau. Nhiều trẻ gặp vấn đề về não bộ có thể gây ảnh hưởng đến việc trẻ chậm các lĩnh vực phát triển vận động, ngôn ngữ,… Một số trường hợp trẻ có bất thường ở bộ máy phát âm, giảm thính lực cũng có thể làm chậm nói. Vì thế, những trẻ đến khám với lý do chậm nói cần được khám tai mũi họng để tầm soát các nguy cơ và có hướng can thiệp thích hợp nếu cần thiết.

Ở góc độ tâm lý – tâm thần, một trẻ gặp rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ biểu hiện hay các vấn đề tâm lý khác cũng có thể đưa đến việc chậm nói. Nếu trẻ mắc các rối loạn trên mà không được phát hiện và can thiệp sớm có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển các lĩnh vực giao tiếp, ngôn ngữ, tương tác xã hội… kéo dài.

Các dữ liệu lâm sàng đã ghi nhận việc can thiệp cho trẻ mắc rối loạn phát triển trước 3 tuổi sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Vì thế, cha mẹ và người chăm sóc chính là những người rất quan trọng trong việc nhận biết các rối loạn bất thường ở trẻ.

[1] Các mốc phát triển ngôn ngữ tham khảo từ Thang đo hành vi thích ứng Vineland II và từ ‘Kaplan and Sadock’s Synopsis of Psychiatry’, 7th edition published by Williams & wilkins, 1994

Khi có bất kỳ nghi ngờ nào trong quá trình nuôi dưỡng và tương tác với con cháu, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở có chuyên môn về tâm lý để được thăm khám và tư vấn.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.verywellfamily.com/the-importance-of-chores-for-kids
  2. https://raisingchildren.net.au/toddlers/family-life/chores/chores-for-children
  3. https://www.momentumlife.co.nz/stories/why-kids-should-have-chores

CHUYÊN GIA TÂM LÝ VƯƠNG NGUYỄN TOÀN THIỆN

Đơn vị Tâm lý – BV Nhi đồng Thành phố