Tầm quan trọng của việc nhà đối với trẻ em.

Đôi khi cha mẹ tự hỏi liệu họ có thực sự nên giao việc nhà cho trẻ hay không. Và có nhiều cuộc tranh luận về vấn đề này, người ta cho rằng người lớn sẽ làm việc nhà, còn trẻ em thì tận hưởng nhiều thời gian vui chơi khi chúng còn nhỏ. Một số khác thì thấy trẻ không làm nhanh, khó hoàn thành nên cha mẹ sẽ làm hết những công việc này.

Cha mẹ lo lắng với lịch trình bận rộn của trẻ hằng ngày. Trẻ phải thức dậy sớm, đi học, học thêm, học năng khiếu,….vội vã từ hoạt động này sang hoạt dộng khác mà không có nhiều thời gian để làm việc nhà.

Dù có nhiều lập luận đưa ra và lý do nhưng không thể phủ nhận những lợi ích từ việc nhà, thông qua đó đứa trẻ học được trách nhiệm và có những kỹ năng sống quan trọng phục vụ cho chúng trong suốt cuộc đời.

Lợi ích mà trẻ em nhận được khi làm việc nhà

Việc giao việc nhà cho trẻ giúp cho cha mẹ có thời gian tham gia những hoạt động khác, nhưng đó không phải là lý do duy nhất mà cha mẹ mong đợi trẻ tham gia. Các nghiên cứu cho thấy việc nhà rất tốt cho trẻ em.

Một cuộc nghiên cứu nổi tiếng trong 75 năm của Harvard đã kiểm tra các biến số tâm lý xã hội thời thơ ấu và các quá trình sinh học dự đoán sức khỏe và hạnh phúc sau này của trẻ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những đứa trẻ làm việc nhà sẽ tốt hơn sau này trong cuộc sống.

Việc nhà là yếu tố dự đoán tốt nhất về việc trẻ em có nhiều khả năng trở thành những người  trưởng thành vui vẻ, khỏe mạnh và độc lập.

Tại sao việc quét nhà và dọn dẹp bàn học lại quan trọng đối với cuộc sống của trẻ em?  Lý do là trẻ cảm thấy có năng lực khi làm việc nhà. Dù đang dọn giường hay đang quét nhà, việc giúp đỡ này sẽ giúp trẻ cảm thấy có khả năng.

Làm việc nhà cũng giúp trẻ cảm thấy mình là một phần của nhóm. Hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên trong gia đình là điều tốt và nó khuyến khích trẻ trở thành những công dân tốt.

Dưới đây là một số ý tưởng về công việc nhà cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau

Công việc cho trẻ từ 2 đến 3 tuổi

Trẻ em ở giai đoạn này trẻ có thể được giao những công việc đơn giản liên quan đến như: nhặt đồ chơi và sách, bỏ quần áo vào sọt, đặt quần áo vào móc quần áo

Công việc nhà cho trẻ mẫu giáo

Trẻ em mẫu giáo có thể làm các công việc của mình như việc tự thu dọn phòng, dọn dẹp bát đĩa sau bữa ăn. Trẻ có thể chuẩn bị bữa ăn, dưới sự giám sát. Giúp phân quần áo sạch thành từng phần cho mỗi thành viên trong gia đình và gấp quần áo của trẻ.

Công việc nhà cho trẻ em trong độ tuổi đi học

Khi trẻ em bắt đầu đi học, trách nhiệm của chúng với các công việc nhà cũng sẽ tăng lên. Trẻ em trong độ tuổi đi học nên tiếp tục làm các công việc nhà liên quan đến việc tự thu dọn. Ví dụ, dạy trẻ cất giày và ba lô khi đi học về, dọn dẹp bàn học, phòng cá nhân, tưới nước cho vườn cây trong nhà, cho vật nuôi ăn, lau bàn ghế,..

Dần dần thêm việc nhà mới vào danh sách việc nhà của trẻ. Khi công việc trở nên khó hơn, hãy dạy trẻ từng bước cách thực hiện từng công việc. Ví dụ, nếu trẻ muốn tự cất quần áo của mình, hãy dạy trẻ xếp quần áo như thế nào, đặt quần áo ở đâu và các loại quần áo ở vị trí nào. Khen ngợi nỗ lực của trẻ và khuyến khích trẻ tiếp tục thực hiện.

Việc nhà cho thanh thiếu niên

Thanh thiếu niên cần thực hiện những công việc giúp chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Giao việc nhà như chuẩn bị bữa ăn, cắt cỏ hoặc giặt giũ. Những kỹ năng sống này sẽ rất quan trọng sau khi học trung học để thanh thiếu niên có thể sống tự lập.

Cho trẻ một khoản phụ cấp có thể thúc đẩy trẻ làm việc nhà. Nó cũng có thể là một cách để dạy trẻ về cách quản lý tiền bạc.

Việc liên kết các công việc nhà của trẻ với tiền tiêu vặt có thể dẫn đến việc mặc cả xem giá trị công việc nhà là bao nhiêu. Nó cũng có thể cản trở ý tưởng làm việc nhà là trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng nếu trẻ cảm thấy có động lực làm việc nhà để có tiền tiêu vặt, hãy làm theo cách đó. Nếu cha mẹ quyết định bỏ tiền để trẻ làm việc nhà, hãy giải thích công việc một cách rõ ràng để không bị nhầm lẫn hoặc mặc cả về việc cần phải làm và làm khi nào.

Cha mẹ có thể tạo mọi động lực cho trẻ bằng cách thay đổi công việc theo thời gian, để bắt kịp với sự thay đổi sở thích của trẻ. Đây cũng là một cách luân chuyển công việc, tạo sự gắn kết, tạo ra những khoảng khắc đặc biệt và tạo sự cởi mở hơn giữa các thành viên trong gia đình.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.verywellfamily.com/the-importance-of-chores-for-kids
  2. https://raisingchildren.net.au/toddlers/family-life/chores/chores-for-children
  3. https://www.momentumlife.co.nz/stories/why-kids-should-have-chores

Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị Tâm lý – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố