Khi cơ thể lên tiếng nỗi lòng của trẻ

Triệu chứng cơ thể là chỉ báo đáng tin cậy tiết lộ tình trạng sức khỏe thể chất của chúng ta. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ biểu hiện các dấu hiệu lâm sàng như đau bụng, đau đầu,… đồng thời thể hiện lo lắng quá mức liên quan đến triệu chứng, nhưng trên thực tế đều không thể được xác thực bởi các xét nghiệm y tế hoặc không thể được giải thích bằng các bệnh lý y khoa. Khi đó, trẻ có thể mắc rối loạn dạng cơ thể.

Rối loạn dạng cơ thể xảy ra khi những tổn thương về cảm xúc được nhìn nhận như những tổn thương về thể lý. Đây là dạng rối loạn chiếm khoảng 5 – 7% dân số chung và tỷ lệ nữ giới được chẩn đoán gấp khoảng 10 lần so với nam giới. Cần lưu ý rằng những triệu chứng này có bản chất sinh học và không mang tính chất giả mạo. Trẻ có thể cảm thấy vô cùng khó chịu về các triệu chứng sức khỏe của mình và có thể gây trở ngại cho cuộc sống hằng ngày như không thể đến trường, không tham gia sinh hoạt cùng bạn bè hoặc tránh né các hoạt động yêu thích thường ngày,…Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần, phiên bản thứ năm (DSM-5), các triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể có thể được biểu hiện qua:

  1. Một hoặc nhiều triệu chứng dạng cơ thể gây đau khổ hoặc gián đoạn đáng kể đến đời sống hàng ngày.
  2. Những suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành vi quá mức liên quan đến các triệu chứng dạng cơ thể hoặc liên quan đến mối quan tâm sức khỏe được biểu hiện bằng ít nhất một trong những mục sau:
  • Những suy nghĩ thiếu hợp lý và dai dẳng về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
  • Thường xuyên lo lắng về sức khỏe hoặc các triệu chứng ở mức độ cao.
  • Dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho các triệu chứng hoặc các mối quan tâm về sức khỏe.
  1. Tình trạng trên kéo dài dai dẳng (thường hơn 6 tháng) mặc dù triệu chứng có thể không xuất hiện liên tục.

Việc chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể sẽ được hỗ trợ bởi một nhóm các chuyên gia bao gồm: bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên khoa (thần kinh, tiêu hóa, tim mạch,…), bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý. Đầu tiên, trẻ cần được thăm khám và xét nghiệm để loại trừ các vấn đề thực thể. Các đánh giá tiếp theo bao gồm việc tìm hiểu về nguyên nhân, bối cảnh, các chức năng cảm xúc, xã hội, học tập,… nhằm hình thành bức tranh tổng quan về khó khăn của trẻ và phương hướng can thiệp, trị liệu phù hợp.

Các nghiên cứu cho thấy những yếu tố sinh học và tâm lý xã hội đều có mối liên quan đến sự phát triển của rối loạn dạng cơ thể, ví dụ như yếu tố lịch sử, môi trường gia đình; việc tiếp diễn các triệu chứng chưa được giải quyết sau bệnh tật hoặc chấn thương; những căng thẳng, xung đột hoặc những thay đổi lớn trong đời sống mà trẻ khó có thể diễn đạt bằng lời nói hoặc cảm xúc. Khi đó, việc phủ nhận những triệu chứng sẽ càng ảnh hưởng đến tình trạng khó khăn ở trẻ. Thay vào đó, phương hướng can thiệp, trị liệu hiệu quả lúc này là sự phối hợp giữa các chuyên gia cũng như gia đình trong việc xác định vấn đề và nâng cao nguồn lực hỗ trợ. Có nhiều hướng tiếp cận trị liệu tâm lý với rối loạn dạng cơ thể, một trong số đó bao gồm trị liệu nhận thức hành vi nhằm tăng cường khả năng ứng phó, tự chủ và thực hành thư giãn.

Cơ thể và tâm trí là một khối thống hợp ảnh hưởng đến các chức năng đời sống của con người. Vì thế, việc biểu hiện triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể là cách chúng ta truyền đạt những gì mà tâm trí không thể diễn đạt thành lời. Chính vì thế, khi trẻ gặp rối loạn dạng cơ thể, việc cần thiết là phụ huynh không phủ nhận những khó khăn “vô hình” ở trẻ và hỗ trợ trẻ bộc lộ những căng thẳng trong môi trường ổn định và an toàn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Boston Children’s Hospital. Somatic Symptom and Related Disorders from https://www.childrenshospital.org/conditions-and-treatments/conditions/s/somatic-symptom-and-related-disorders
  2. Cleveland Clinic (2018). Somatic Symptom Disorder in Children & Adolescents from https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17864-somatic-symptom-disorder-in-children–adolescents
  3. Psychology Today. Somatic Symptom Disorder from
  4. https://www.psychologytoday.com/intl/conditions/somatic-symptom-disorder
  5. Rosic, T., Kalra, S., & Samaan, Z. (2016). Somatic symptom disorder, a new DSM-5 diagnosis of an old clinical challenge. BMJ Case Reports, bcr2015212553.

 

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố