Hỗ trợ trẻ thích nghi trong quá trình nằm viện.

Nhập viện là điều không ai mong muốn. Đối với trẻ em, khi những kỹ năng thích nghi còn hạn chế, quá trình này sẽ gây nhiều thách thức bởi môi trường sống, thói quen, các mối tương tác đều thay đổi hoàn toàn khi trẻ đang được điều trị ở bệnh viện. Chính vì thế, thời gian nằm viện có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phục hồi của trẻ. Với sự hỗ trợ từ phụ huynh và nhân viên y tế, dưới đây là một số chiến lược giúp trẻ giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy quá trình phục hồi sức khỏe.

Đầu tiên, phụ huynh cần giúp trẻ chuẩn bị cho thời gian nằm viện bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Việc tìm hiểu thông tin về môi trường, nội quy và các dịch vụ tại Khoa, phòng, bệnh viện sẽ hỗ trợ phụ huynh chuẩn bị cho con một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, con có thể tìm hiểu sách truyện có nội dung liên quan đến bệnh viện bao gồm mục đích, thời gian và mô tả những gì trẻ có thể mong đợi ở bệnh viện. Phụ huynh hãy dành thời gian để trò chuyện, cho phép trẻ đặt bất kỳ câu hỏi nào và thảo luận về nỗi sợ hãi hoặc những bận tâm khác của trẻ. Từ đó, ba mẹ có thể đưa ra những lời giải thích đơn giản đồng thời giúp trẻ được trấn an. Phụ huynh cần tránh việc nói dối, ngay cả khi không có câu trả lời. Việc quan trọng là phải thiết lập niềm tin với con. Điều này cũng được áp dụng tương tự với các thủ thuật và xét nghiệm mà trẻ sắp phải đón nhận. Khi trẻ nhận thức kế hoạch tương lai của bản thân, việc lo lắng sẽ suy giảm và trẻ sẽ sẵn sàng hơn cho thử thách sắp đến.

Nhu cầu của một bạn nhỏ là vui chơi, vì thế phụ huynh hãy khuyến khích trẻ vui chơi ngay cả trong môi trường bệnh viện. Bởi việc bận rộn với đồ chơi, sách, công cụ liên quan đến nghệ thuật, thủ công hoặc thiết bị điện tử,… có thể giúp trẻ xao lãng khỏi cơn đau, lo lắng đồng thời tăng khả năng ứng phó với những khó chịu của bệnh tật nói chung. Bên cạnh đó, thông qua việc vui chơi, phụ huynh cũng có thể “tranh thủ” hỗ trợ trẻ phát triển các kỹ năng về vận động, tư duy, cảm xúc,… Những đồ dùng nói chung và đồ chơi nói riêng nên là những đồ vật quen thuộc ở nhà của trẻ. Trong môi trường xa lạ, việc có thú nhồi bông hoặc các đồ vật quen thuộc khác cạnh bên có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn hơn. Ngoài ra, ba mẹ có thể tham khảo các chương trình hoạt động vui chơi thường được tổ chức ở bệnh viện, các phòng chơi ở bệnh viện hoặc sân chơi ngoài trời,…nhằm mang lại niềm vui và cảm giác thư giãn cho trẻ.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ trẻ kết nối với môi trường ngoài bệnh viện đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp trẻ trấn an và gia tăng cảm giác tích cực. Nếu thời gian nằm viện kéo dài và trong điều kiện cho phép, ba mẹ có thể mời người thân, bạn bè, thầy cô đến thăm trẻ. Việc kết nối với những gương mặt quen thuộc thông qua trò chuyện video, gọi điện thoại, nhắn tin, viết thư,…cũng sẽ là lựa chọn hiệu quả bên cạnh việc gặp gỡ trực tiếp. Ngoài ra, việc duy trì trạng thái bình tĩnh và hình mẫu tích cực của phụ huynh cũng góp phần ảnh hưởng đến thái độ của trẻ trong môi trường bệnh viện. Bởi để đồng hành cùng con trong giai đoạn điều trị bệnh không bao giờ là dễ dàng. Chính vì thế, phụ huynh cần nhận thức những căng thẳng của bản thân, duy trì chế độ sinh hoạt cân bằng, tìm hiểu những chiến lược thư giãn và nguồn hỗ trợ, ứng phó phù hợp để cùng con “vượt sóng” thành công.

Những cảm xúc tiêu cực, buồn bã và bất lực khi con bị đau hay khó chịu cũng như lo lắng khi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sẽ là tiến trình mà bất cứ phụ huynh nào cũng từng trải qua khi có con nằm viện. Thế nhưng, bất kể điều gì xảy ra, ba mẹ vẫn là điểm tựa vững chãi và là tấm gương tuyệt vời của con. Vì vậy, điều quan trọng cần làm là tìm ra các phương pháp giảm căng thẳng cho bản thân tăng cường nguồn chăm sóc, hỗ trợ tích cực cho trẻ.

Tài liệu tham khảo:

  1. NurseRegistry. How to Minimize a Child’s Stress During a Hospital Stay from https://www.nurseregistry.com/blog/minimize-child-stress-at-hospital/
  2. Lerwick, J. L. (2016). Minimizing pediatric healthcare-induced anxiety and trauma. World Journal of Clinical Pediatrics, 5(2), 143.

Chuyên gia Tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị Tâm lý – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố