Giúp con thoát khỏi ‘không gian ảo’

Những câu chuyện buồn của nghiện internet

Hậu quả của việc nghiện internet có thể đưa đến tình trạng có những thay đổi tiêu cực về mặt cảm xúc như chán nản, cáu gắt, lo âu, căng thẳng… Từ đó, nhiều rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Ngoài ra, sử dụng Internet liên tục, kéo dài còn có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Tại Nghệ An, giữa tháng 06 vừa qua có một vụ án chấn động dư luận khi một học sinh lớp 11 khai nhận đã “làm theo trò chơi điện tử” để bắt cóc em bé 5 tuổi gần nhà đem giấu trong rừng. Sự kiện trên đã dẫn đến cái chết thương tâm của bé. Trước đó, vào năm 2019, một thanh niên nghiện game, có những biểu hiện bất thường về tâm thần ở Thanh Hoá đã xông vào trường tiểu học dùng dao đâm cô giáo và một số học sinh khiến một em tử vong.

Đằng sau câu chuyện đau lòng của gia đình các gia đình nạn nhân lẫn thủ phạm là câu hỏi trăn trở dành cho phụ huynh, người làm giáo dục và những nhà chuyên môn có liên quan. Đối diện với thực trạng trên, liệu đâu là giải pháp cho gia đình và xã hội nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của lạm dụng internet đối với con em mình?

Đâu là giải pháp?

Mô hình ‘Can thiệp và Điều trị nghiện Internet’ của PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ và TS. Lê Minh Công đã đưa cách tiếp cận dự phòng dựa trên giáo dục kiến thức. Việc giáo dục và truyền thông những tác hại của lạm dụng internet và cách hướng dẫn về việc sử dụng mạng một cách an toàn, hiệu quả phải được đẩy mạnh trong nhà trường. Những kỹ năng về cách tự bảo mật thông tin cá nhân, chống nguy cơ bắt nạt, xâm hại trên không gian mạng cần được chú trọng như một kỹ năng sống cho học sinh trong thời hiện đại.

Ngoài ra, những bộ câu hỏi đánh giá nguy cơ nghiện internet cũng cần được các chuyên gia tâm lý xây dựng để giúp thầy cô nhận diện được các học sinh có vấn đề.

Tỉnh Kagawa của Nhật Bản, vào tháng 04.2020 đã tiên phong đưa ra yêu cầu cha mẹ giới hạn thời gian chơi điện tử của con cái tối đa 60 phút/ ngày và không quá 90 phút vào dịp cuối tuần.

Bên cạnh đó, đối với những người đã được xác định lạm dụng internet, phải có mô hình can thiệp trị liệu hỗ trợ. Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Loan – nguyên Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Đại học Hoa Sen đã áp dụng thành công mô hình trị liệu trong gần 02 năm cho 05 người đàn ông  có tình trạng lạm dụng Internet tại TPHCM. Kết quả trị liệu cho các đối tượng trên cho thấy mức độ tự tin của họ tăng lên, mức độ cô đơn và ám sợ xã hội giảm bớt. Tình trạng lệ thuộc vào Internet cũng không còn. Các đối tượng đã chủ động quản lý được thời gian hợp lý và xây dựng được mục tiêu cụ thể trước mỗi lần sử dụng Intetnet.

Điều này cho thấy khi giúp những đối tượng trên gia tăng sự tự tin có thể làm giảm tình trạng lạm dụng internet nơi họ. Với kết quả khả quan này, có thể là gợi ý cho phụ huynh giúp trẻ có môi trường, hoạt động để nâng cao sự tự tin của bản thân. Một trong những cách thức cơ bản mà phụ huynh có thể áp dụng là hãy chấp nhận và khen ngợi những điểm tích cực ở con. Đừng so sánh trẻ với ‘con nhà người ta’ hoặc các chuẩn mực mà ba mẹ muốn hướng đến.

Cuối cùng, mối quan hệ gia đình có thể xem vẫn là nền tảng cho việc phát triển tinh thần lành mạnh ở trẻ em. Một bữa cơm chung không dùng thiết bị điện tử có thể giúp cha mẹ, con cái lắng nghe và quan tâm nhau hơn. Đó cũng là cách cha mẹ dạy cho con cái hiểu về những giá trị tốt đẹp thực tế bên ngoài không gian ảo.

 

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố