Tại sao trẻ nhỏ bây giờ chán học, cảm thấy được phép làm đủ thứ và ít kiên nhẫn! – Phần 2

Tại sao trẻ nhỏ bây giờ chán học, cảm thấy được phép làm đủ thứ và ít kiên nhẫn! – Phần 1 – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố (bvndtp.org.vn)

Huấn luyện bộ não

Các vị phụ huynh có thể làm thay đổi cuộc sống của con mình bằng cách huấn luyện bộ não của con, để con có thể thành công cả về mặt trí tuệ, cảm xúc, xã hội. Dưới đây là vài cách làm: 

Đừng lo ngại việc phải đặt ra giới hạn. Trẻ cần có giới hạn để lớn lên khỏe mạnh và vui vẻ!

  • Có giờ quy định cho giờ ăn, giờ ngủ, giờ được chơi thiết bị công nghệ. 
  • Nghĩ về những cái gì TỐT cho trẻ chứ không phải cái gì trẻ MUỐN hay KHÔNG MUỐN. Về sau trẻ sẽ biết ơn bố mẹ về điều đó. Làm cha mẹ là việc khó. Khó vì các bố mẹ cần phải sáng tạo, nghĩ cách để buộc con cái làm những gì có lợi cho bản thân chúng bởi vì đa số, những điều có lợi đó trái ngược với những điều trẻ muốn (ví dụ: con không thích ăn rau quả, chỉ thích ăn vặt hay thức ăn nhanh. Bố mẹ phải suy nghĩ cách bắt con ăn rau quả một cách tự nguyện, hào hứng. Có vài cách như thực đơn của cả nhà thường xuyên có rau củ quả, bố mẹ ăn rau củ quả cùng con, làm các món salad rau củ kèm với các nước sốt thơm ngon, trang trí bày biện các món thật hấp dẫn, biến rau quả thành các nhân vật sống động trong cuộc hội thoại giữa bố mẹ và con cái …)
  • Trẻ cần phải ăn sáng và ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng. Chúng cũng cần vui chơi ngoài trời, đi ngủ đúng giờ thì sáng hôm sau đến trường lớp, chúng mới sẵn sàng học tập được. Ăn sáng không đầy đủ chất dễ khiến trẻ uể oải, học tập kém tập trung, mệt mỏi.
  • Biến những việc, những điều trẻ không thích hay tránh né làm thành những trò chơi vui vẻ, kích thích và khơi dậy cảm xúc  

Hạn chế thiết bị công nghệ và kết nối với con về mặt cảm xúc

  • Hãy làm trẻ con ngạc nhiên, bất ngờ với nụ cười, tặng hoa, cù /thọc lét, viết vài dòng nhắn gửi để dưới gối con ngủ hay để trong cặp sách của con, đến trường thăm con không hẹn trước, lăn lê bò toài hay nhảy cùng nhau, đánh đấu nhau bằng gối. Nhiều khi bố mẹ nghĩ trò đánh nhau bằng gối (pillow fight) có hay ho gì đâu cái trò dùng gối choảng vào mặt, vào đầu nhau, rồi lại còn đi nhặt gối, dọn chăn. Nhưng trẻ con lại nghĩ khác, cần thứ khác. Pillow fight ngoài giúp các con giải tỏa năng lượng, còn làm các em được nô đùa, cười vui, dành thời gian cho bố mẹ và những người thân yêu. 
  • Cả nhà cùng nhau ăn tối, cùng có những hoạt động chung như chơi cờ thú, cờ domino, cờ vua, cờ caro hay đi dạo cùng nhau sẽ giúp bố mẹ và con cái gia tăng sự kết nối.

Tập cách trì hoãn sự hài lòng (delayed gratification)

  • Hãy để trẻ phải chờ đợi! Hoàn toàn bình thường nếu bọn chúng phàn nàn hay kêu chán. Đây chính là bước đầu tiên dẫn đến sự sáng tạo. Khi trẻ than chán, như vào buổi tối trong tuần sau khi đã làm xong bài tập. Bố mẹ có thể gợi ý cho trẻ đọc sách, vẽ, chơi đồ chơi, gấp giấy hay mày mò đồ đạc. 
  • Tăng dần thời gian đợi từ lúc trẻ nói “Con muốn” đến lúc bố mẹ bảo “Con được”. (ví dụ khi trẻ đòi mua đồ chơi, bố mẹ đánh trống lảng. Việc nói dối trong trường hợp này là không có hại (white lies) nên chấp nhận được. Bố mẹ có thể đưa ra lý do như bố bận không đưa đi mua được, mẹ chưa lĩnh lương, đợi có kết quả thi môn tiếng anh đã vvv… Lâu dần rồi trẻ nản không đòi mua nữa, hoặc quên đi) 
  • Tránh dùng thiết bị công nghệ khi đang chờ xe, trong nhà hàng, thay vào đó dạy trẻ biết đợi bằng cách nói chuyện hay chơi trò chơi, những trò chơi trong lúc đợi là oăn tù tì, chơi đố về đồ vật xung quanh (mẹ đang nghĩ về vật có màu xanh, cho khí oxy vvv…)
  • Hạn chế ăn quà vặt liên tục
  • Dạy trẻ làm những việc đơn điệu nhàm chán từ nhỏ, đây chính là nền tảng cho khả năng làm việc trong tương lai.
  • Gấp quần áo, thu dọn đồ chơi, treo quần áo, dỡ túi đồ đi chợ, dọn cơm, chuẩn bị đồ ăn mang theo, nấu hay đặt cơm, gấp chăn màn. 
  • Phát huy tính sáng tạo. Bố mẹ cùng con làm những việc đơn điệu đó với các hoạt động vui và kích thích để não bộ suy nghĩ về những công việc đó theo hướng tích cực, vài cách sau cho mấy công việc nhà nhàm chán thành cái gì đó vui vui: 
    • Khi quét nhà con hay hát

“ Chổi to mẹ quét sân to – Ấy còn chổi nhỏ để dành cho bé chăm lo quét nhà” (bài hát Chổi rơm vàng)

  • Khi nhờ con xách mấy cái túi mẹ đi chợ về mẹ cho con xách túi nhẹ trước hoặc túi đựng mấy món đồ ăn con thích để con hào hứng 
  • Luôn động viên khen ngợi kịp thời mỗi khi con biết thêm việc nhà mới. Những câu khen ngợi như “Con làm…tốt lắm”, “Mẹ rất tự hào về con”…

Dạy những kỹ năng xã hội như:

Dạy trẻ biết đợi đến lượt mình, biết chia sẻ, biết có lúc thắng lúc thua (bố mẹ luôn nhắc nhở rằng không phải lúc nào con cũng thắng, ai cũng có lúc thua), biết thỏa hiệp, biết khen ngợi người khác, thường xuyên nói “cảm ơn, xin lỗi, dạ, xin phép” 

Trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực ngay khi bố mẹ thay đổi quan điểm về cách làm cha làm mẹ. Hãy sớm giúp con thành công trong cuộc sống bằng cách huấn luyện và tăng cường sức khỏe cho bộ não.

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo
Why Are Kids Impatient, Bored, Friendless, and Entitled? (deeprootsathome.com)