Phòng tránh tai nạn thương tích tai nạn giao thông cho trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù ở môi trường nào cũng vậy, trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang, tai nạn giao thông…

VTV cho biết, theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2018, đã có 962 trẻ em bị thương vong do tai nạn giao thông (TNGT). Điều này để lại niềm đau thương và gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội.
Tai nạn giao thông
– Tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông không chấp hành luật và các quy định về an toàn giao thông. Người đi bộ chạy qua đường bất ngờ, không quan sát, đùa nghịch đu bám tàu xe, đá bóng dưới lòng đường, …..
– Người đi xe đạp dàn hàng 3, lạng lách, vượt ẩu trước mũi xe máy, ô tô…
– Người đi xe máy phóng nhanh, lạng lách
– Lái xe ô tô uống rượu bia, không kiểm soát tốc độ…
– Đặc biệt nguy hiểm đối với các trường hợp vô ý thức có hành vi nguy hiểm gây chết người như: rải đinh trên đường cao tốc, ném đá lên tàu, tháo ốc vít trên đường ray tàu hoả…
-Tai nạn giao thông do các phương tiện giao thông: Chất lượng xe cộ thấp kém, xe thiếu các thiết bị an toàn. Phương tiện vận chuyển không an toàn.

Cách phòng tránh
–  Luôn đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia lưu thông
– Thực hiện đúng Luật an toàn giao thông đường bộ khi tham gia giao thông
– Khách tham quan, giáo viên phụ huynh không chạy xe trong khuôn viên trường học
– Chấp hành giao thông ở trước cổng trường; Khi đi tới trường các em học sinh cần vào trong trường không tụ tập ngoài cổng trường, khi tan học ra khỏi cổng trường cần quan sát đường, xin đường để sang bên đúng phần đường của mình và đi vào phần đường của mình không tụ tập ở cổng trường gây ùn tắc giao thông cho người đang tham gia giao thông.
– Khi đi bộ qua cổng trường cần quan sát đường trước khi sang phần đường của mình  
– Không được đá bóng dưới lòng đường gây tai nạn giao thông cho mình và cho người tham gia giao thông trên đường
–  Đi xe đạp không được đi dàn hàng 3, lạng lách, vượt ẩu trước mũi xe máy, ô tô…
– Khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện cần phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

Cách sơ cứu khi trẻ gặp tai nạn giao thông

  • Với người bị thương nhẹ: Có biểu hiện tỉnh táo, không chảy máu, không có vết thương hở và tự đứng dậy được thì cần phải nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.
  • Nếu bệnh nhân bị chảy máu: Phải cầm máu tại chỗ bằng cách dùng tay hay khăn hoặc một cục bông ấn chặt vào vết thương. Động tác này rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.
  • Nạn nhân tổn thương mạnh ở xương: Như gãy xương, tay, chân, cổ, lưng… thì phải cố định chỗ gãy. Gãy chi trên thì nên lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện. Trong quá trình di chuyển tránh gây chuyển động mạnh.
  • Người bị thương nặng: Trong tình trạng hôn mê thì nên tiến hành sơ cứu theo lần lượt 3 bước: khai thông đường thở, phải làm bệnh nhân thở được bằng nhiều biện pháp như hà hơi, hồi sức, hô hấp nhân tạo,… kiểm tra nhịp tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý quan trọng: Cần 2 – 3 người nhấc người bệnh, tuyệt đối không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.

TRẦN HỒ TRUNG TÍN
PHÒNG ĐIỀU DƯỠNG
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ