Phát triển ngôn ngữ ở trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết – Phần 2

Phát triển ngôn ngữ: Tám năm đầu tiên. Sau đây là một số điều quan trọng mà trẻ có thể đạt được trong quá trình phát triển ngôn ngữ từ ba tháng đến tám tuổi.

Trẻ từ 3 tháng đến 12 tháng

Khi được ba tháng, trẻ mỉm cười và cười xã hội. Vào khoảng tháng thứ 4-6 có thể sẽ bắt đầu bập bẹ. Trước tiên, trẻ sẽ phát ra những âm có một âm tiết như “ba” trước khi lặp lại chúng “ba ba ba”. Những từ đầu tiên có thể thường bắt đầu vào khoảng 12 tháng hoặc sau đó.

Nếu trẻ không nói bập bẹ và không sử dụng cử chỉ ngôn ngữ cơ thể sau 12 tháng, hãy trao đổi điều này với bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia tâm lý.

Trẻ từ 12 tháng đến 18 tháng

Ở độ tuổi này, trẻ thường nói những từ đầu tiên có ý nghĩa. Ví dụ, khi trẻ nói “ba ba” khi gặp cha, trẻ thực sự đang gọi ba. Trong vài tháng tới, vốn từ vựng của trẻ sẽ phát triển. Trẻ có thể hiểu nhiều hơn những gì trẻ có thể diễn đạt. Trẻ cũng có thể làm theo các hướng dẫn đơn giản như “Ngồi xuống”, “Đứng lên”, “Đi chơi”,…

Trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi.

Hầu hết trẻ sẽ bắt đầu ghép hai từ lại với nhau thành những “câu ngắn”. Trẻ sẽ hiểu nhiều điều cha mẹ nói với chúng và ngược lại cha mẹ có thể hiểu hầu hết những gì trẻ nói với họ. Những người không quen biết cũng sẽ hiểu những gì trẻ nói.

Nếu trẻ không nói được một số từ vào khoảng 18 tháng, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia tâm lý.

Trẻ từ 2 tuổi đến 3 tuổi

Trẻ có thể diễn đạt câu gồm 3-4 từ và ngày càng giỏi hơn trong việc diễn đạt đúng từ, đúng tình huống. Trẻ có thể vừa chơi và vừa diễn đạt cách chơi, ý tưởng hoạt động chơi cùng với nhau.

Trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi

Cha mẹ có thể mong đợi những cuộc trò chuyện dài hơn, phức tạp hơn về suy nghĩ và cảm xúc của trẻ. Trẻ cũng có thể đạt câu hỏi về con người, sự vật và những địa điểm không có ở trước mắt trẻ. Ví dụ, ‘Mẹ ơi! Ở nhà bà ngoại cũng mưa phải không ạ?’

Trẻ có thể diễn đạt về nhiều chủ đề và vốn từ vựng của chúng sẽ tiếp tục tăng lên. Trẻ thể hiện sự hiểu biết về ngữ pháp cơ bản và bắt đầu sử dụng các câu với các từ như “bởi vì”, “nếu”, “vậy” hoặc “khi nào”. Và cha mẹ có thể mong đợi một số câu chuyện thú vị của trẻ.

Trẻ từ 5 tuổi đến 8 tuổi

Trong những năm đầu đi học, trẻ sẽ học nhiều từ hơn và bắt đầu hiểu cách sử dụng và diễn đạt trong hoạt động đọc và viết. Bên cạnh đó trẻ cũng sẽ trở thành một người kể chuyện giỏi hơn, khi chúng học cách ghép các từ lại với nhau theo những cách khác nhau và xây dựng các kiểu câu khác nhau. Những kỹ năng này cũng giúp trẻ chia sẻ ý kiến ​​và quan điểm cá nhân. Đến tám tuổi, trẻ sẽ có thể trò chuyện như người lớn.

Khi nào cần trợ giúp để phát triển ngôn ngữ

Cha mẹ là người hiểu rõ trẻ nhất. Nếu cha mẹ có bất kỳ lo lắng nào về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, hãy đặt câu hỏi với bác sĩ nhi khoa hoặc các chuyên gia tâm lý. Để các chuyên gia đánh giá và đưa ra các chiến lược hỗ trợ cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. https://raisingchildren.net.au/babies/development/language-development/language-development-0-8
  2. https://www.verywellfamily.com/how-do-children-learn-language-1449116