Phác đồ điều trị ngộ độc Methanol

I. ĐẠI CƯƠNG
– Methanol công thức là CH3OH, là thành phần của rượu giả, cồn công nghiệp, xăng dầu, chất chống đông, dầu thơm, gỗ, dung môi sơn, chất tẩy rửa trong gia đình, và nhiều sản phẩm công nghiệp khác.
– Khi uống vào, methanol được hấp thu nhanh, đạt nồng độ đỉnh trong máu sau 30- 60 phút, tử vong khi uống lượng từ 15-30ml methanol (1-2 muỗng xúp) ở người lớn.
– Chuyển hóa của methanol liên quan đến sự tạo thành formaldehyd và sau đó thành formate hoặc formic acid gây nhiễm toan chuyển hóa, độc các tạng đặc biệt thần kinh và thị giác.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh: bệnh sử có uống rượu giả hay uống nhầm các chất có chứa Methanol
1.2. Khám lâm sàng
– Triệu chứng sớm trước 3 giờ:
+ Hơi thở có mùi rượu
+ Triệu chứng tiêu hóa: nôn ói, đau bụng.
+ Triệu chứng ức hệ thần kinh trung ương: nhức đầu, chóng mặt, hôn mê, co giật.
+ Ngừng thở, tụt huyết áp nếu nặng.
– Triệu chứng muộn sau 12-24 giờ:
+ Thở nhanh do toan chuyển hóa.
+ Tổn thương thần kinh thị giác:
o Nhìn mờ, “trắng như tuyết”.
o Mù.
o Đồng tử dãn không phản xạ ánh sáng.
1.3. Cận lâm sàng
– Tổng phân tích tế bào máu
– Nồng độ methanol trong máu > 20 mg/dL. (> 40mg/dL rất nghiêm trọng)
– Khí máu động mạch: toan chuyển hóa máu kèm tăng khoảng trống anion > 20.
– Điện giải đồ.
– Đường huyết.
– Áp lực thẩm thấu máu: khoảng trống ALTT cao > 10 (hiệu số của ALTT đo được và ALTT tính toán).
(Áp lực thẩm thấu tính toán = Ure/máu + Glucose + 2 × Natri/máu)
– Ceton trong máu và trong nước tiểu: giúp loại trừ các chẩn đoán khác (nhiễm ceton do đái tháo đường, do rượu, do nhịn đói lâu ngày).
– Chức năng gan, thận.
– Tổng phân tích nước tiểu.
2. Chẩn đoán xác định: bệnh sử uống các chất có chứa Methanol+ Lâm sàng + Methanol/máu > 20mg/dL.
3. Chẩn đoán có thể: bệnh sử uống các chất có chứa Methanol + lâm sàng + toan chuyển hóa tăng anion gap > 20.
4. Chẩn đoán phân biệt
– Hạ đường huyết.
– Ngộ độc rượu ethanol.
– Tiểu đường nhiễm ceton.
– Ngộ độc salicylate.
– Viêm não màng não.
– Bong võng mạc.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị cấp cứu.
– Loại bỏ độc chất.
– Chất đối kháng đặc hiệu.
– Điều trị biến chứng, hỗ trợ.
2. Điều trị cấp cứu
– Suy hô hấp: Oxy, NCPAP, NKQ khi có chỉ định
– Sốc: chống sốc với Natri chlorua.
– Co giật: Diazepam 0,25mg/kg/lần TMC.
3. Loại bỏ độc chất
– Rửa dạ dày.
– Than hoạt tính.
4. Chất đối kháng đặc hiệu
Fomepizol và ethanol ngăn cản việc Methanol chuyển hóa thành các chất độc (axit formic và format), methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu
– Chỉ định:
+ Bệnh sử có uống Methanol, và có khoảng trống ALTT > 10 khi chưa có kết quả xét nghiệm nồng độ Methanol
+ Nồng độ Methanol/máu > 20 mg/dL.
+ Nhiễm toan chuyển hóa không giải thích được nguyên nhân và có khoảng trống ALTT > 10
– Thuốc:
+ Fomepizol:
Liều:
o Liều đầu 15 mg/kg (tối đa 1g) pha Normal salin hoặc Dextrose5% truyền tĩnh mạch trong 30 phút.
o 4 giờ sau liều đầu tiên: cho 4 liều 10 mg/kg tĩnh mạch mỗi 12 giờ.
o Sau đó 15mg/kg tĩnh mạch mỗi 12 giờ cho đến khi nồng độ methanol < 20 mg/dL.
Thời gian điều trị trung bình là 48 giờ.
+ Ethanol:
Liều:
o Đường uống: dung dịch ethanol 20% (1ml chứa 0,16gram ethanol) liều 5 ml/kg, sau đó duy trì 0,5 ml/kg/giờ. Uống hoặc nhỏ giọt qua sonde dạ dày.
o Tĩnh mạch: dung dịch ethanol 10% tĩnh mạch (nếu nồng độ cao hơn 10% khi truyền phải pha loãng thêm với dung dịch Glucose 5%), liều tấn công 10 ml/kg (0,8 g/kg) sau đó duy trì 1-1,6 ml/kg/giờ (0,08-0,13 g/kg/giờ).
5. Điều trị biến chứng, hỗ trợ:
– Toan máu: Bicarbonate 1 – 2 mEq/kg.
– Lọc thận: điều trị suy thận cấp ngoài ra còn giúp loại trừ cả methanol và format.
+ Mục tiêu đưa Methanol máu < 20 mg/dL. + Chỉ định: o Suy thận cấp. o Toan chuyển hóa nặng. o Nồng độ Methanol máu > 50 mg/dL.
– Acid folic hoặc leucovorin: giúp chuyển hóa format thành CO2 và nước.
Liều dùng: uống 1 – 2 mg/kg/lần, (tối đa 50 mg) mỗi 4 -6 giờ, ở bệnh nhân lọc máu dùng thêm 1 liều trước và 1 liều khi kết thúc lọc máu.
IV. THEO DÕI
– Sinh hiệu, tri giác mỗi 1 – 2 giờ trong 6 -12 giờ đầu, sau đó 4 – 6 giờ trong 24 giờ.
– Khí máu mỗi 4 – 6 giờ.
V. PHÒNG NGỪA
– Không cho trẻ uống rượu.
– Bảo quản rượu đúng nơi quy định.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ