Phác đồ điều trị ngộ độc Hydrocarbon

I. ĐẠI CƯƠNG
Ngộ độc hydrocarbon bao gồm xăng, dầu lửa, dầu bóng, paraffin… thường do uống nhầm xăng, dầu đựng trong các chai nước, thức uống.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh: hoàn cảnh xảy ra, thời gian, loại hydrocarbon, triệu chứng ho sặc sụa ngay sau khi uống.
1.2. Lâm sàng
– Lơ mơ, kích thích; Hôn mê, co giật trong trường hợp nặng.
– Hơi thở có mùi xăng, dầu.
– Khó thở, tím tái, có thể ho ra máu, khò khè, thở nhanh, thở rên, ran phổi.
– Rối loạn nhịp tim: rung nhĩ, rung thất, ngưng tim; Tụt huyết áp.
– Nôn ói, tiêu chảy, có thể xuất huyết tiêu hóa.
– Sốt thường xuất hiện sau vài giờ hoặc khi có biến chứng viêm phổi.
– Tổn thương gan, thận.
– Triệu chứng ở da, mắt nếu có tiếp xúc.
1.3. Cận lâm sàng:
– Tổng phân tích tế bào máu.
– Điện giải đồ, đường huyết, CPK.
– Khí máu trong trường hợp có suy hô hấp.
– ECG.
– Chức năng gan thận khi cần.
– X quang phổi: thâm nhiễm đáy phổi hoặc rốn phổi hoặc cả 2 phế trường, hình ảnh ứ khí xuất hiện ngay sau ngộ độc hoặc khởi phát sau 1 – 2 ngày hoặc ARDS hoặc viêm phổi bội nhiễm.
2. Chẩn đoán xác định: bệnh sử + yếu tố tiếp xúc + lâm sàng + X quang ngực thẳng.
3. Chẩn đoán có thể: bệnh sử + lâm sàng.
4. Chẩn đoán phân biệt: Viêm phổi
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị cấp cứu.
– Loại bỏ độc chất.
– Điều trị triệu chứng, biến chứng.
2. Điều trị cấp cứu
– Điều trị suy hô hấp
+ Thở oxy để SaO2 ≥ 95%.
+ Thở NCPAP.
+ Đặt nội khí quản giúp thở.
+ Điều trị co thắt phế quản nếu có.
– Chống sốc nếu có: dịch truyền dưới hướng dẫn CVP, thuốc vận mạch lưu ý Epinephrine và nhóm Beta-adrenergic có thể gây rối loạn nhịp.
3. Loại bỏ độc chất
– Không rửa dạ dày, không than hoạt tính.
– Nếu tiếp xúc da: tắm với nước và xà phòng.
– Nếu tiếp xúc mắt: rửa mắt bằng nước muối sinh lý.
4. Điều trị triệu chứng, biến chứng
– Viêm phổi hít do hydrocarbon (xem bài viêm phổi hít)
– Viêm phổi bội nhiễm: Kháng sinh cephasporine thế hệ 3 kèm aminoglycoside.
– Tràn khí màng phổi.
– ARDS: hỗ trợ hô hấp, thở CPAP, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn và ECMO nếu thất bại với các điều trị trên.
IV. THEO DÕI
– Các trường hợp nhẹ không biến chứng nên theo dõi tại bệnh viện ít nhất 6 giờ, tiếp tục theo dõi tại nhà nếu sau 6 giờ bệnh nhân vẫn không sốt, nhịp thở bình thường và kết quả X quang phổi ở giờ thứ 6 bình thường.
– Theo dõi:
+ Sinh hiệu, tri giác, SpO2 mỗi 1-2 giờ trong 6-12 giờ đầu, 2-4 giờ trong 24 giờ tiếp theo.
+ Điện giải đồ, đường huyết, khí máu khi cần.
+ X quang ngực thẳng trong 12-24 giờ sau.