Phác đồ điều trị ngộ độc cấp rượu Ethanol

I. ĐẠI CƯƠNG
Ngộ độc Ethanol (rượu etylic) ít gặp ở trẻ em, thường do uống nhầm, có thể gây hôn mê, suy hô hấp và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh: có uống hoặc uống nhầm rượu, bia.
1.2. Khám lâm sàng: hơi thở có mùi rượu.
Giai đoạn kích thích: Sảng khoái, hưng phấn thần kinh (vui vẻ, nói nhiều), giảm khả năng tự kiềm chế (mất điều hòa, kích thích, hung hãn). Vận động phối hợp bị rối loạn: đi đứng loạng choạng, buồn nôn, nôn ói, đau bụng.
Giai đoạn ức chế: Tri giác giảm dần, giảm khả năng tập trung, lú lẫn. Phản xạ gân xương giảm, trương lực cơ giảm. Giãn mạch ngoại vi.
Giai đoạn hôn mê: Hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi sặc. Giãn mạch, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, trụy mạch. Hạ thân nhiệt. Hạ đường huyết. Co giật, tiêu cơ vân, rối loạn điện giải, toan chuyển hóa.
1.3. Cận lâm sàng:
– Tổng phân tích tế bào máu.
– Định lượng nồng độ ethanol máu (≥ 20 mg/dL có triệu chứng lâm sàng).
– Định lượng nồng độ methanol máu (thường có ngộ độc phối hợp).
– Đường huyết, điện giải đồ.
– Ure, creatinine, AST, ALT, CPK.
– Áp lực thẩm thấu máu.
– Khoảng trống áp lực thẩm thấu máu tăng >10 mOsmol/L
+ Khoảng trống áp lực thẩm thấu = áp lực thẩm thấu đo được – áp lực thẩm thấu ước tính.
+ Áp lực thẩm thấu ước tính (mOsmol/L) = Ure máu (mmol/L) + đường huyết (mmol/L) + 2 × Natri máu (mmol/L)
– Khí máu: toan chuyển hóa nặng.
– Chức năng đông máu.
– Tổng phân tích nước tiểu, myoglobin niệu.
– ECG.
– Xquang ngực thẳng.
– Chụp cắt lớp vi tính sọ não: nghi ngờ tai biến mạch máu não hoặc chấn thương đầu.
– Chọc dò tủy sống: nghi ngờ viêm màng não.
2. Chẩn đoán xác định: bệnh sử có gợi ý uống chất chứa ethanol + lâm sàng + nồng độ ethanol máu ≥ 20 mg/dL.
3. Chẩn đoán có thể: Bệnh sử có gợi ý uống chất chứa ethanol + lâm sàng.
4. Chẩn đoán phân biệt
– Hạ đường huyết.
– Ngộ độc rượu methanol.
– Ngộ độc salicylate.
– Ngộ độc thuốc ngủ.
– Tai biến mạch máu não.
– Viêm não màng não.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị cấp cứu.
– Loại bỏ độc chất.
– Điều trị triệu chứng, hỗ trợ.
2. Điều trị cấp cứu
– Suy hô hấp: oxy, NCPAP, NKQ khi có chỉ định.
– Co giật: Diazepam 0,25mg/kg/lần.
– Sốc: truyền dịch và thuốc vận mạch theo hướng dẫn CVP.
3. Loại bỏ độc chất
– Đặt sonde dạ dày:
+ Dẫn lưu.
+ Hút dịch dạ dày nếu đến sớm trong vòng 1 giờ sau uống hoặc đến muộn hơn nhưng uống số lượng lớn.
– Tăng thải trừ: Chạy thận nhân tạo chỉ định khi có 1 trong các trường hợp sau:
+ Suy thận cấp.
+ Rối loạn tri giác hoặc suy hô hấp nặng hoặc tụt huyết áp không đáp ứng với điều trị nội.
+ Tiêu cơ vân.
+ Toan chuyển hóa không đáp ứng với điều trị nội.
+ Rối loạn điện giải không đáp ứng với điều trị nội.
4. Điều trị triệu chứng, hỗ trợ.
– Vitamin B1: 50 mg tiêm bắp trước khi truyền glucose.
– Hạ đường huyết do giảm tân sinh đường hoặc không ăn: Dextrose 30% 2ml/kg TMC sau đó duy trì dung dịch Dextrose 10% trong Natriclorua 0,45%.
– Rối loạn điện giải: điều chỉnh Natri, Kali, Calci.
– Toan chuyển hóa nặng: Bicarbonate ưu trương.
– Tiêu cơ vân: truyền dịch điện giải theo hướng dẫn CVP, đảm bảo nước tiểu ≥ 1-2ml/giờ.
– Hạ thân nhiệt: ủ ấm.
– Lọc máu liên tục khi có tổn thương đa cơ quan: gan, thận, ARDS…
– Điều trị rối loạn đông máu nếu có.
– Lưu ý phát hiện và xử trí chấn thương, ngộ độc Methanol kèm theo.
IV. THEO DÕI
– Sinh hiệu, tri giác mỗi 1 – 2 giờ trong 6 -12 giờ đầu, sau đó 4 – 6 giờ trong 24 giờ.
– Khí máu, điện giải đồ, đường huyết mỗi 4 – 6 giờ đến khi ổn định.

 

 

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ