Phác đồ điều trị lỗ tiểu thấp

I. ĐẠI CƯƠNG
– Lỗ tiểu thấp là dị dạng bẩm sinh của dương vật gồm:
+ Lỗ tiểu ở mặt bụng dương vật.
+ Khiếm khuyết da quy đầu mặt bụng dương vật.
+ Cong dương vật phía mặt bụng.
– Các thể lâm sàng lỗ tiểu thấp:
+ Thể trước (thể qui đầu, thể dưới khấc qui đầu)
+ Thể giữa (thể dương vật xa, giữa và gần)
+ Thể sau (thể gốc dương vật- bìu, thể bìu và thể tầng sinh môn)
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
– Lý do đến khám: lỗ tiểu bất thường, dương vật bị cong, dính da dương vật với bìu.
– Tia nước tiểu bất thường: tiểu ướt chân, tiểu ngồi
1.2. Khám lâm sàng
– Quan sát thấy cơ quan sinh dục bất thường, lỗ tiểu nằm thấp so với vị trí bình thường ở đỉnh qui đầu.
– Mức độ cong của dương vật.
– Da qui đầu thừa ở mặt lưng, thiếu ở mặt bụng.
– Dương vật – bìu chuyển vị.
– Dị tật phối hợp: tinh hoàn ẩn, bệnh lý ống bẹn.
– Xác định vị trí 2 tinh hoàn, hình dạng bìu.
1.3. Cận lâm sàng
– Testosterone máu: trong trường hợp dương vật nhỏ
– Nhiễm sắc thể đồ Karyotype, siêu âm bụng, bẹn bìu: khi lỗ tiểu thấp phối hợp với tinh hoàn ẩn 1 hoặc 2 bên, hình dạng bìu mất cân xứng.
2. Chẩn đoán xác định: dựa vào lâm sàng.
3. Chẩn đoán phân biệt
– Cong dương vật: dương vật cong nhưng lỗ tiểu vẫn ở đỉnh qui đầu.
– Rối loạn phát triển giới tính: bộ phận sinh dục ngoài không hoàn toàn giống nam cũng không hoàn toàn giống nữ.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị: phẫu thuật
2. Điều trị phẫu thuật
2.1. Mục tiêu phẫu thuật:
– Dương vật thẳng.
– Lỗ tiểu ở đỉnh qui đầu.
2.2. Thời điểm phẫu thuật: sau 6 tháng tuổi.
2.3. Kỹ thuật phẫu thuật:
2.3.1. Phẫu thuật “một thì”: áp dụng đối với lỗ tiểu thấp kèm cong dương vật nhẹ đến vừa.
Các phương pháp phẫu thuật thường dùng hiện nay là: Duplay, Snodgrass, MAGPI, Mathieu, Koff, Duckett, Onlay flap, Onlay tube.
2.3.2. Phẫu thuật “hai thì”: áp dụng đối với lỗ tiểu thấp thể sau kèm cong dương vật nặng.
Thì 1: cắt xơ, làm thẳng dương vật có thể dùng mảnh ghép bì hoặc tạo hình một phần niệu đạo và tạo sàn niệu đạo.
Thì 2: tạo hình niệu đạo (sau 6 tháng), sử dụng các phương pháp phẫu thuật Duplay hoặc Snodgrass.
3. Điều trị hỗ trợ
3.1. Điều trị trước phẫu thuật
– Đối với dương vật nhỏ, cân nhắc sử dụng “Testosterone propionate 25mg” tiêm bắp 3 liều trước phẫu thuật, mỗi liều cách nhau 1 tuần làm cho dương vật đủ to để phẫu thuật.
3.2. Điều trị sau phẫu thuật
– Thay băng sau 2 – 5 ngày, rửa bằng nước muối sinh lý, băng lại hoặc để hở.
– Rút ống thông tiểu sau 5 – 7 ngày hoặc lâu hơn tùy trường hợp.
– Thuốc sau mổ: kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3, giảm đau bằng Acetaminophen ± thuốc chống co thắt bàng quang Oxybutynin.
– Thời gian nằm viện: 7 – 14 ngày.
3.3. Biến chứng
Biến chứng sớm: chảy máu, nhiễm trùng.
Biến chứng muộn: rò niệu đạo, hẹp niệu đạo, hẹp lỗ tiểu, cong dương vật tái phát, lỗ tiểu thấp tái phát, túi thừa niệu đạo.
IV. TÁI KHÁM
Tái khám định kỳ: 1-2 tuần, 1-2 tháng, 6 tháng, hàng năm.
V. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Tấn Sơn (2002). “Lỗ tiểu thấp”. “Bệnh học và điều trị Ngoại khoa-Ngoại nhi”. Nhà xuất bản Y học, trang 211-217.
2. Nguyễn Thanh Liêm, (2002). “Phẫu Thuật Tiết Niệu Trẻ Em”. Nhà xuất bản Y học, trang 172 – 195.
3. Baskin LS, (2000). “Hypospadias, anatomy, embryology, and reconstructive techniques”. Pediatric Urology, 26, pp.621-629.
4. Baskin LS, (2012) “Hypospadias”. In “Pediatric Surgery” of Coran AG Adezick NS, Krummel TM. Elseviers, pp. 1531-1553.
5. Snodgrass WT (2012). “Hypospadias”. In “Urology” of Campbell, Walsh, Saunder Elseviers , pp.3503-36.
6. Duckett JW, Bas (1998). “Hypospadias”. Pediatric Surgery, pp.1761-1781.
7. Phác đồ BV Nhi đồng 1, 2.

 

 

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ