Phác đồ điều trị Dị vật đường thở

I. ĐẠI CƯƠNG
Dị vật đường thở là cấp cứu Tai mũi họng, có thể gây tử vong. Thường xảy ra ở trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi. Nguyên nhân thường gặp là các hạt trái cây, viên bi, hoặc sặc sữa, bột…

II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh: hoàn cảnh xảy ra, loại dị vật.
1.2. Khám lâm sàng
– Hội chứng xâm nhập.
– Mức độ khó thở: ngừng thở, hôn mê, tái tím.
– Khó thở vào, sử dụng cơ hô hấp phụ.
– Nghe phế âm phổi 2 bên.
1.3. Cận lâm sàng
– X-quang phổi: tìm dị vật cản quang, xẹp phổi.
– Chụp cắt lớp vi tính cổ ngực khi nghi ngờ dị vật bỏ quên hoặc khó chẩn đoán xác định.
– Nội soi khí phế quản tất cả các trường hợp có hội chứng xâm nhập.
2. Chẩn đoán
2.1. Chẩn đoán nghi ngờ
– Bệnh sử: đột ngột trẻ đang chơi với hạt hoặc vật nhỏ hoặc đang ăn bú.
– Lâm sàng: hội chứng xâm nhập hoặc khó thở thanh quản.
2.2. Chẩn đoán xác định
– Hội chứng xâm nhập.
– Nội soi: tìm thấy dị vật trong lòng khí phế quản.
– Hoặc chụp cắt lớp vi tính cổ ngực thấy dị vật.
2.3. Chẩn đoán phân biệt
– Viêm thanh khí phế quản: có sốt, ho.
– U nhú hoặc khối u thanh quản: khó thở thanh quản xuất hiện từ từ.

III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
– Lấy dị vật cấp cứu.
– Hỗ trợ hô hấp.
– Điều trị các biến chứng.
2. Xử trí ban đầu: Khi trẻ bị dị vật đường thở hoặc nghi ngờ dị vật đường thở.
2.1. Nếu trẻ không khó thở hoặc khó thở nhẹ: khó thở thanh quản độ I và IIA đừng can thiệp vì sẽ làm di chuyển dị vật có thể làm trẻ ngừng thở đột ngột. Trẻ cần được theo dõi sát và mời hoặc chuyển đến chuyên khoa Tai mũi họng, tốt nhất để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng.
2.2. Nếu trẻ ngừng thở hoặc khó thở nặng: khó thở thanh quản độ IIB và III, tím tái, vật vã, hôn mê cần cấp cứu ngay. Tránh móc dị vật bằng tay.
– Trẻ lớn: thủ thuật Heimlich
+ Trẻ còn tỉnh: Cấp cứu viên đứng phía sau hoặc quì tựa gối vào lưng trẻ (trẻ < 7 tuổi). Vòng 2 tay ngang thắt lưng. Đặt một nắm tay vùng thượng vị ngay dưới mấu kiếm xương ức, bàn tay đặt chồng lên. Đột ngột ấn mạnh, nhanh 5 lần theo hướng trước ra sau và dưới lên trên.

+ Trẻ hôn mê: Đặt trẻ nằm ngửa, cấp cứu viên quì gối và đặt 2 bàn tay chồng lên nhau vùng dưới xương ức trẻ. Đột ngột ấn mạnh, nhanh 5 lần.

– Trẻ sơ sinh và nhũ nhi: phương pháp vỗ lưng ấn ngực
+ Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay. Dùng lòng bàn tay phải vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh vùng giữa 2 xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ nếu còn khó thở dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần.

+ Nếu trẻ ngừng thở phải thổi ngạt hoặc bóp bóng qua mask trước và trong khi làm thủ thuật Heimlich hoặc vỗ lưng ấn ngực.
– Trong trường hợp thất bại có thể lặp lại 6 – 10 lần các thủ thuật trên.
– Nếu thất bại dùng đèn soi thanh quản nếu thấy được dị vật sẽ dùng kềm Magill gắp ra hoặc mở khí quản, chọc kim xuyên màng giáp nhẫn (nếu dị vật trên thanh môn) hoặc đặt nội khí quản (nếu dị vật dưới thanh môn).
– Chọc kim xuyên màng giáp nhẫn:
+ Chỉ định: khó thở thanh quản độ IIB và III, tím tái, vật vã không cải thiện sau thực hiện kỹ thuật vỗ lưng ấn ngực hoặc Hemlich.
+ Kỹ thuật:
• Cho bệnh nhân nằm ngửa, kê gối dưới 2 vai để đầu ngửa tốt.
• Bàn tay (T) cố định khí quản bằng cách giữ chặt vùng giáp nhẫn và xác định màng giáp nhẫn.
• Bàn tay (P) cầm kim luồn số 14 đâm qua màng giáp nhẫn theo đường giữa ngay dưới sụn giáp, tạo một góc 450 hướng xuống phía chân.
• Rút nòng ra, nối kim luồn với nguồn oxy.
• Thường sau khi dị vật được tống ra trẻ hết khó thở ngay, tuy nhiên sau đó tất cả trẻ này phải được khám chuyên khoa Tai Mũi Họng.
3. Soi gắp dị vật:
– Chỉ định: tất cả các trường hợp nghi ngờ hoặc chưa loại trừ được dị vật đường thở (dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng):
+ Trẻ có hội chứng xâm nhập;
+ Trẻ không rõ hội chứng xâm nhập nhưng biểu hiện lâm sàng không loại trừ được dị vật đường thở;
+ Trẻ có biểu hiện dị vật đường thở bỏ quên.
– Kỹ thuật:
+ Giải thích cho thân nhân hoặc người giám hộ hợp pháp và ký cam kết;
+ Bệnh nhân gây mê qua mask và gây tê vùng thanh quản bằng Lidocain xịt;
+ Soi hạ họng bằng Mc Intosh: nếu thấy dị vật thì gắp ra ngay;
+ Thực hiện soi thanh quản trực tiếp bằng ống soi cứng (sau khi đưa ống soi vào được phế quản thì gây mê qua kênh thông khí của ống soi): quan sát khí quản, phế quản gốc, phế quản gốc phải – trái, phế quản phân thùy để tìm dị vật và gắp ra bằng dụng cụ chuyên biệt.
+ Kiểm tra lại (có thể có dị vật thứ hai) trước khi kết thúc.
+ Chú ý:
• Hạn chế làm tổn thương niêm mạc khí phế quản;
• Có thể dùng optic phù hợp để phối hợp gắp dị vật chính xác hơn;
• Quan sát và phối hợp kỹ với bác sĩ gây mê trong quá trình thực hiện tránh tình trạng co thắt thanh quản;
• Dexamethasone 0,5-1 mg/kg (TM) trong quá trình thực hiện để tránh phù nề.
– Sau khi soi:
+ Theo dõi bệnh nhân ít nhất 6 giờ;
+ Theo dõi và xử trí sớm các biến chứng;
+ Tùy đánh giá của phẫu thuật viên trong quá trình thực hiện, có thể chụp X quang hoặc một số xét nghiệm khác (nếu cần).
– Biến chứng và xử trí:
+ Tràn khí dưới da: rạch hay đâm kim dưới da.
+ Tràn khí màng phổi: dẫn lưu màng phổi.
+ Áp xe trung thất: mở trung thất.
4. Theo dõi và tái khám
– Theo dõi độ khó thở bệnh nhân, biến chứng sau soi như tràn khí dưới da, tràn khí trung thất.
– Ra viện 1 – 2 ngày sau khi các triệu chứng đã ổn.
– Tái khám: mỗi tuần cho đến khi ổn định.

LƯU ĐỒ XỬ TRÍ DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ

 

 

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ