Những điều cần biết về tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ 5 – dưới 12 tuổi

Vắc xin ngừa Covid 19 không chỉ giúp trẻ phòng ngừa nhiễm bệnh, giảm tỉ lệ nhập viện, biến chứng nặng và tử vong mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phòng ngừa tái nhiễm và giảm khả năng lây lan của bệnh.
Dưới đây là những thông tin cơ bản phụ huynh cần nắm trước khi quyết định chủng ngừa Covid 19 cho trẻ.

1. Vắc xin ngừa Covid 19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được cấp phép bởi cơ quan nào?
Tại Hoa Kì, FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì) đã cấp phép cho sử dụng vắc xin ngừa Covid 19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 29/10/2021.
Tại Việt Nam, vắc xin ngừa Covid 19 được Bộ y tế cấp phép sử dụng cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi theo Quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 01/03/2022.

2. Trẻ em tại sao cần phải tiêm ngừa?
Hiện nay, có một hiểu lầm phổ biến là trẻ khi mắc Covid 19 không có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong. Điều này chưa đúng. Trẻ khi nhiễm Covid 19 vẫn có khả năng diễn tiến nặng, thậm chí tử vong.
Cần nhắc lại rằng, hậu quả do nhiễm Covid 19 lớn hơn rất nhiều so với bất kì rủi ro nào xảy ra khi tiêm ngừa Covid 19.
Vắc xin ngừa Covid 19 không chỉ giúp trẻ phòng ngừa nhiễm bệnh, giảm tỉ lệ nhập viện, biến chứng nặng và tử vong mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phòng ngừa tái nhiễm và giảm khả năng lây lan của bệnh.

3. Vắc xin ngừa Covid 19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nào đã được cấp phép tại Việt Nam?
Hiện nay, Bộ y tế đã cấp phép sử dụng cho 2 vắc xin để tiêm ngừa Covid 19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
– Vắc xin Comirnaty (Pfizer/BioNTech):
Tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 3 tuần. Mỗi liều có hàm lượng bằng 1/3 so với liều vắc xin dành cho trẻ 12 tuổi trở lên và người lớn.
Nghiên cứu tại Hoa kì cho thấy, vắc xin có hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa Covid 19 ở lứa tuổi 5- dưới 12 tuổi

– Vắc xin Spikevax (Moderna):
Tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày. Mỗi liều có hàm lượng bằng ½ so với liều vắc xin dành cho trẻ 12 tuổi trở lên và người lớn.

4. Vắc xin ngừa Covid 19 cho trẻ 5- dưới 12 tuổi cấu tạo và hoạt động như thế nào?
– Cả 2 vắc xin Comirnity và Spikevax đều có cấu trúc mARN
– Về cơ bản, vắc xin mARN không chứa virus còn sống, do đó không có khả năng gây bệnh cho trẻ. Khi được đưa vào cơ thể, vắc xin dạy cơ thể tạo ra các bản sao của protein S ( những protein nằm trên bề mặt của virus), từ đó giúp hệ thống miễn dịch biết cách nhận diện và tạo ra kháng thể giúp ngăn chặn virus khi trẻ thật sự nhiễm bệnh.

5. Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nào cần tiêm ngừa Covid 19:
– Tất cả trẻ độ tuổi từ 5- dưới 12 tuổi được khuyến cáo nên tiêm ngừa Covid 19 nếu không có chống chỉ định.

6. Chống chỉ định của vắc xin ngừa Covid 19?
– Có tiền sử rõ ràng phản ứng phản vệ với vắc xin ngừa Covid 19 trong các lần tiêm trước hoặc các thành phần của vắc xin.

7. Trường hợp nào trẻ cần tạm hoãn tiêm ngừa Covid 19?
– Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển
– Trẻ đã mắc Covid 19 nên tiêm ngừa sau khi mắc bệnh 2 tháng. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp mà lợi ích vượt trội nguy cơ, có thể tiêm cho trẻ ngay khi hết bệnh
– Trẻ mắc hội chứng viêm đa cơ quan( MIS-C): tạm hoãn đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn

8. Tác dụng phụ nào có thể gặp khi trẻ tiêm ngừa Covid 19:
Các vắc xin ngừa Covid 19 hiện nay đều an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như tất cả các vắc xin ngừa các bệnh khác, vẫn có các tác dụng phụ được ghi nhận.
Tương tự như trẻ lớn và người lớn, phản ứng phụ thường gặp trong vòng 2 ngày sau tiêm chủng và kéo dài từ 1-3 ngày
Dưới đây là một số phản ứng phụ sau tiêm được ghi nhận

9. Vắc xin có ảnh hưởng đến tim mạch không?
Biến chứng tim mạch sau tiêm vắc xin ngừa Covid 19 xảy ra với tỉ lệ cực kì thấp. Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim được ghi nhận, đặc biệt ở nam giới từ 12 đến 29 tuổi. Các biến chứng này thường xảy ra trong 1 tuần sau khi tiêm vắc xin, hầu hết các trường hợp diễn tiến ổn định khi được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Phụ huyng lưu ý các triệu chứng cần theo dõi:
– Tức ngực
– Khó thở
– Tim đập nhanh, đánh trống ngực.
Nếu trẻ có bất kì triệu chứng nào kể trên trong vòng 1 tuần sau tiêm vắc xin, hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

10. Trẻ cần chủng ngừa những loại vắc xin nào khác ngoài vắc xin ngừa Covid 19?
– Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm và dễ tổn thương khi mắc bệnh, do đó phụ huynh nên lưu ý chủng ngừa đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của Bộ y tế.
– Có thể tiêm vắc xin ngừa Covid 19 và các loại vắc xin khác trong cùng ngày hoặc khoảng cách thời gian 14 ngày
– Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại, có đầy đủ các loại vắc xin để thực hiện chủng ngừa toàn diện và an toàn cho bé.
Để theo dõi lịch tiêm và tình hình vắc xin tại bệnh viện, vui lòng truy cập website https://bvndtp.org.vn/lich-tiem-chung/

Khoa Sức khỏe trẻ em
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố