Những đều cần biết khi nuôi con song sinh

Trở thành cha mẹ và chào đón những thiên thần bé nhỏ là một sự kiện thay đổi lớn trong cuộc đời mỗi người. Khi nghe được thông báo có hai nhịp tim đang đập song song ở trong cơ thể, khiến cha mẹ cảm thấy phấn khích, mong đợi và nhiều lo lắng. Những suy nghĩ tràn ngập tâm trí của cha mẹ khi có con sinh đôi: Liệu các em bé sinh ra có khỏe không ? Chúng ta sẽ nuôi dưỡng và chăm sóc các bé như thế nào? Làm thế nào để cho hai bé bú cùng một lúc? Điều gì sẽ xảy ra nếu bọn trẻ giống hệt nhau và không thể phân biệt được? Làm thế nào chúng ta có thể công bằng và bình đẳng khi đối mặt với những tranh cãi giữa anh chị em?

Việc nuôi dạy các bé sinh đôi mang lại nhiều niềm vui và thử thách. Cha mẹ sẽ khá bận rộn trong công việc chăm sóc và giáo dục. Vì không như dự tính ban đầu trong gia đình sẽ chào đón một thành viên mới mà là hai thành viên. Ngoài sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè thì cha mẹ cần tìm hiểu thêm những thông tin cần biết trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ song sinh.
Những điều cần biết khi sinh đôi
Các cặp song sinh ở cùng với nhau kể từ khi thụ thai, nên cũng sẽ nhiều thuận lợi cho cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục. Ví dụ: Các cặp song sinh thường học cách ngủ thông qua tiếng ồn và nhanh chóng hiểu rằng trẻ phải chờ đợi để được đáp ứng nhu cầu của mình. Các cặp song sinh có thể ít lo lắng hơn về sự xa cách vì bên trẻ luôn có một người bạn đồng hành. Mối liên kết giữa các bé song sinh hình thành khá thoải mái, khi các bé cùng nhau trải qua những giai đoạn chuyển đổi trong cuộc sống như các bé được trao cho người trông trẻ chăm sóc hoặc bước vào độ tuổi đi học. Trong những năm đầu đời của trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và thời thơ ấu, các cặp song sinh có điều kiện thuận lợi hơn là có bạn chơi cùng nhau, học hỏi lẫn nhau.
Các em bé song sinh có thể có nhiều điểm chung nhưng cha mẹ nên nhìn nhận mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Và cha mẹ nên xem điều này ngay từ ban đầu và tạo điều kiện để trẻ phát huy hết tiềm năng cá nhân. Giống như tất cả các anh chị em, mỗi cặp song sinh đều có tính cách, nhu cầu và khả năng khác nhau như trẻ sẽ tranh luận, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ, tranh giành đồ chơi và thậm chí có thể có sự ganh tỵ giữa anh chị em.
Dạy con song sinh
• Nhờ sự giúp đỡ trong việc chăm sóc trẻ . Dù là cha mẹ đơn thân hay có đầy đủ cả cha và mẹ, hãy liên hệ với gia đình, bạn bè và người thân của mình để được hỗ trợ khi chăm sóc trẻ sinh đôi và giúp cho mẹ của trẻ tranh thủ nghỉ ngơi để mau phục hồi sức khỏe sau khi sinh.
• Phát triển các thói quen và lịch trình sinh hoạt. Mọi sinh hoạt hằng ngày được thỏa thuận và sắp xếp giúp các thành viên trong gia đình hoạt động hết khả năng tối ưu. Thói quen hàng ngày giúp trẻ cảm thấy an toàn vì trẻ biết điều gì sẽ xảy ra và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các trẻ ăn, ngủ cùng một lịch trình, khi lớn lên cũng sẽ dễ dàng với việc thích ứng với các quy tắc trong gia đình và tập thể.
• Công nhận mỗi trẻ song sinh như một cá thể duy nhất. Dù là chị em sinh đôi nhưng các bé nhận thức được cá tính riêng và phát triển bản sắc riêng của mình. Khi nuôi dạy các cặp song sinh, cha mẹ có xu hướng luôn nghĩ chúng giống nhau. Cha mẹ nên tôn trọng sự khác biệt của cá nhân và hình thành những hy vọng riêng biệt xung quanh khả năng và sở thích của mỗi đứa trẻ. Hỗ trợ cá tính riêng của từng trẻ bằng cách gọi tên từng trẻ – không phải là “cặp song sinh”.
• Công bằng và tôn trọng trẻ. Bởi vì mỗi đứa trẻ đều có những nhu cầu khác nhau, nên ngoài sự công bằng thì sự tôn trọng rất quan trọng . Cha mẹ không nhất thiết phải luôn dành cùng một khoảng thời gian cho mỗi đứa trẻ, mua những món quà tương đương hoặc đối xử với trẻ theo cách giống hệt nhau. Việc tôn trọng những điểm tương đồng và khác biệt của mỗi đứa trẻ sẽ nuôi dưỡng một ý thức lành mạnh về bản thân.

• Hãy thận trọng khi so sánh. Phát triển là một quá trình, không phải là một cuộc đua. Cha mẹ thường so sánh sự phát triển của con mình với những đứa trẻ khác cùng tuổi, và sẽ đặc biệt hơn khi việc so sánh này với những đứa trẻ sinh đôi. Trẻ nhỏ khá nhạy cảm và hiểu được những gì chúng nghe được. So sánh làm trẻ không tự tin hoặc làm cho trẻ cảm thấy bản thân không có giá trị, kém cỏi.
• Tính sở hữu. Sở hữu giúp trẻ hình thành ý thức về bản sắc. Mỗi đứa trẻ cần một số đồ dùng cá nhân không cần phải chia sẻ, để củng cố sự riêng biệt và quyền sở hữu như quần áo, đồ chơi, sách, chăn,…. Có thể cho mỗi đứa trẻ một cái tủ hoặc phòng riêng để trẻ sắp xếp và bảo quản đồ dùng của mình. Mặc dù trẻ nhỏ chưa biết đọc, nhưng việc ám thị tên của từng đồ dùng riêng cho chúng sẽ rất hữu ích.
Trong quá trình phát triển của trẻ vai trò của cha mẹ giữ một vị trí quan trọng. Làm cha mẹ là một công việc không có hồi kết và cũng chẳng phải điều dễ dàng. Đọc sách, báo về nuôi dạy các cặp song sinh và tham gia các nhóm cha mẹ có các cặp song sinh sẽ cung cấp nhiều kiến thức, kinh nghiệm và nhằm giảm bớt lo lắng, giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về niềm vui và thách thức của việc nuôi dạy trẻ song sinh. Nếu cần được hỗ trợ, cha mẹ có thể liên hệ các chuyên gia tâm lý, cùng đưa ra những thảo luận, kế hoạch giúp các bé vui khỏe, hạnh phúc và phát triển hết tiềm năng cá nhân của trẻ.

Tài liệu tham khảo:
Raising twins | Pregnancy Birth and Baby (pregnancybirthbaby.org.au)
7 Surprising Facts About Raising Twins (whattoexpect.com)
Raising Twins | Psychology Today
The Psychology of Parenting Twins | Psychology Today

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố