Nguy cơ đối với trẻ em chậm nói

Trong quá trình chăm sóc một đứa con, nhiều phụ huynh không chỉ bận tâm về việc con tăng cân, tăng trưởng chiều cao mà còn chú trọng đến việc con phát triển ngôn ngữ, nhận thức. Nếu đã 18 tháng, mà trẻ chưa tự nói và nói đúng đối tượng, hoàn cảnh giao tiếp mới có thể xác định dấu hiệu cảnh báo chậm nói. Chậm nói ở trẻ em có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều nguy cơ các rối loạn khác nhau.
Nhiều trẻ gặp vấn đề về não bộ có thể gây ảnh hưởng đến việc trẻ chậm các lĩnh vực phát triển vận động, ngôn ngữ,… Một số trường hợp trẻ có bất thường ở bộ máy phát âm, giảm thính lực cũng có thể làm chậm nói. Vì thế, những trẻ đến khám với lý do chậm nói cần được khám tai mũi họng để tầm soát các nguy cơ và có hướng can thiệp thích hợp nếu cần thiết.
‘Chậm nói’ dưới góc độ tâm lý
Ở góc độ tâm lý – tâm thần, một trẻ gặp rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ biểu hiện hay các vấn đề tâm lý khác cũng có thể đưa đến việc chậm nói.
Rối loạn ngôn ngữ: trẻ mắc rối loạn này thường có biểu hiện chậm nói nhưng giao tiếp bằng cử chỉ điệu bộ, nụ cười, ánh mắt và khả năng tương tác xã hội vẫn bình thường. Phụ huynh cần đưa trẻ đến các chuyên viên âm ngữ trị liệu để được can thiệp.

Chậm phát triển: trẻ chậm phát triển tâm thần khi đánh giá có chỉ số trí tuệ IQ dưới 70 và chậm ít nhất 2 lĩnh vực thích ứng. Trẻ thuộc nhóm này cũng thường chậm biết nói và gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ. Gia đình và nhà trường cần phối hợp hỗ trợ trẻ bằng các chương trình giáo dục chuyên biệt phù hợp với khả năng của trẻ.

Rối loạn phổ tự kỷ: trẻ mắc chứng tự kỷ thường bất thường ở 3 lĩnh vực: tương tác xã hội, giao tiếp và các hành vi, sở thích rập khuôn, lặp lại. Chậm nói được coi là dấu hiệu đặc trưng của việc suy giảm khả năng giao tiếp nơi trẻ. Trong thực tế, đa số trẻ được phát hiện mắc tự kỷ do phụ huynh đưa con đến phòng khám tâm lý vì lý chậm nói. Cho đến nay, giáo dục chuyên biệt là phương pháp can thiệp tự kỷ có bằng chứng khoa học.

Câm nín chọn lọc (Selective Mutism): rối loạn này thể hiện khi trẻ có thể nói và hiểu ngôn ngữ trong một số trường hợp nhưng lại không nói trong một số hoàn cảnh xác định khác. Nhiều trẻ có thể nói chuyện ở gia đình, với các bạn thân nhưng đến trường lại không nói. Theo ICD 10, một số ít trẻ câm nín chọn lọc trong tiền sử gặp khó khăn về kết âm, chậm nói. Các liệu pháp tham vấn trị liệu tâm lý sẽ hỗ trợ tố cho trẻ và gia đình trong tình huống này.

‘Ác mẫu’ thời hiện đại
Hiện nay, nhiều phụ huynh vì bận rộn thường dùng Ipad hoặc TV như một ‘vú em thời hiện đại’ để giúp mình trông con. Đến trường, nhiều giáo viên lại tiếp tục cho trẻ xem TV thay vì cho các trẻ tham gia vào các chương trình vận động, sinh hoạt cùng bạn bè để phát triển kỹ năng xã hội. Vậy mà nhiều phụ huynh không ngờ rằng ‘vú em hiện đại’ đấy gây hại đến trẻ hơn là lợi ích.
Xem các nội dung trên thiết bị điện tử là mô hình tương tác một chiều. Nếu trẻ tập trung vào sẽ không có cơ hội nhận được các kích thích tương tác, giao tiếp như khi vui chơi cùng ba mẹ, bạn bè. Bên cạnh đó, việc trẻ đọc sách, báo, truyện phù hợp lứa tuổi sẽ giúp các em có không gian phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo của mình. Ngược lại, khi xem các nội dung trên TV, Ipad, các hình ảnh được thể hiện sống động, đầy đủ nên không còn không gian cho trí tưởng tượng của trẻ em.

Vì thế, việc cho trẻ em xem quá nhiều TV, Ipad hay các thiết bị điện tử từ lâu đã được xem là yếu tố nguy cơ cho việc trẻ chậm nói trong quá trình phát triển.

CHUYÊN GIA TÂM LÝ VƯƠNG NGUYỄN TOÀN THIỆN
Đơn vị Tâm lý – BV Nhi đồng Thành phố