Thế giới ghi nhận hơn hai triệu ca nhiễm nCoV và hơn 119.000 người chết, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu.
Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy thế giới ghi nhận 2.019.320 ca nhiễm và 119.483 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa số ca nhiễm toàn cầu tăng gấp đôi so với số liệu ngày 3/4. Số người bình phục tăng thêm 22.289, lên 443.786 người.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 581.679 ca nhiễm và 23.618 ca tử vong, tăng lần lượt 27.453 và 1.509 ca.
New York, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, báo cáo số ca tử vong đã vượt 10.000 trong tổng số hơn 188.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, Thống đốc Andrew Cuomo tuyên bố “điều tồi tệ nhất đã kết thúc” bởi số ca tử vong, nhiễm mới và ca nguy kịch đều giảm.
Cuomo cùng thống đốc các bang New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Delaware và Rhode Island sau đó tổ chức cuộc họp chung để thông báo thành lập nhóm chuyên trách lên kế hoạch mở cửa trở lại.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết sẽ công bố nhóm chuyên trách về kinh tế trong hôm nay để tập trung vào việc mở cửa trở lại đất nước trong những tuần tới.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.268 ca nhiễm và 547 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 170.099 và 17.756, là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai trên thế giới.
Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép một số doanh nghiệp sản xuất và xây dựng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, phần lớn dân cư vẫn được yêu cầu ở trong nhà, các cửa hàng không thiết yếu và nơi công cộng sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 26/4.
Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết quyết định tái khởi động một số ngành kinh tế được thông qua sau khi tham khảo các chuyên gia khoa học. Những biện pháp tiếp theo sẽ được đưa ra tùy thuộc vào tình hình đối phó Covid-19.
Italy báo cáo thêm 566 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 20.465 và là nước thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, ghi nhận ca tử vong vượt 20.000. Ca nhiễm tại Italy hiện là 159.516 sau khi báo cáo thêm 3.153 ca.
Sự gia tăng ca nhiễm mới giảm xuống mức dưới 2%, trong khi số bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực giảm từ 4.068 xuống 3.260 đánh dấu sự cải thiện đáng kể trong tình hình dịch bệnh tại Italy.
Italy tuần trước gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5. Quyết định này được các bác sĩ ủng hộ nhưng bị các doanh nghiệp phản đối. Italy hôm nay sẽ thí điểm mở lại một số hiệu sách và tiệm giặt ủi để xem hiệu quả của biện pháp cách biệt cộng đồng.
Pháp báo cáo thêm 4.188 ca nhiễm và 574 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 136.779 và 14.967. Số ca tử vong tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn con số kỷ lục của tuần trước, và bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực cũng giảm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết ngày 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại.
Số ca nhiễm và tử vong ở Đức hiện là 130.072 và 3.194 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 2.218 và 172 ca. Đức đang hướng tới việc dỡ bỏ dần các hạn chế liên quan đến Covid-19 khi ca nhiễm mới giảm và ca tử vong thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng ở châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đứng đầu 16 khu vực ngày mai sẽ quyết định liệu có gia hạn các hạn chế, dự kiến kết thúc ngày 18/4. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cuối tuần trước đưa ra biện pháp nới lỏng theo giai đoạn, song không nêu rõ những lĩnh vực nào trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể được nới dần hạn chế.
Anh ghi nhận thêm 717 người chết do nCoV trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong nhiều ngày, nâng tổng số ca tử vong toàn quốc lên 11.329 trong số 88.621 ca nhiễm. Vùng dịch lớn thứ năm châu Âu và thứ sáu thế giới đã thực hiện hơn 367.000 xét nghiệm.
Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục. Họ nhận định các cuộc tranh luận về “miễn dịch cộng đồng” ở Anh đã khiến nước này chậm trễ đưa ra các biện pháp cách biệt cộng đồng để ngăn chặn dịch.
Trung Quốc báo cáo thêm 89 ca nhiễm mới, gồm 86 ca ngoại nhập, giảm so với 108 ca hôm qua. 79 ca ngoại nhập được ghi nhận ở tỉnh Hắc Long Giang, nơi có chung biên giới với Nga.
Số ca nhiễm tại Trung Quốc hiện là 82.249, trong khi số người chết không thay đổi, ở mức 3.341, do nước này không ghi nhận thêm ca tử vong mới.
Trung Quốc đang lo ngại các ca nhiễm ngoại nhập có thể kích hoạt đợt bùng phát dịch thứ hai và khiến đất nước trở lại tình trạng gần như tê liệt. Các thành phố Trung Quốc giáp biên giới Nga hôm 12/4 cho biết sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới và các biện pháp kiểm dịch đối với người mới đến.
Hàn Quốc chưa công bố số liệu mới. Nước này hôm qua báo cáo số ca tái dương tính nCoV lên 116.
Các nước Đông Nam Á ghi nhận 20.001 ca nhiễm nCoV, tăng 769 ca trong một ngày, trong đó 844 người đã tử vong. Philippines thay Malaysia trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 4.932 ca nhiễm và 315 ca tử vong. Malaysia ghi nhận 4.817 ca nhiễm và 77 ca tử vong.
Indonesia xếp thứ ba với 4.557 ca nhiễm và 399 ca tử vong, là quốc gia có tỷ lệ tử vong do nCoV cao thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Singapore xếp thứ tư với 2.918 ca nhiễm và 9 ca tử vong.
Giới chức y tế Thái Lan cho biết thêm 28 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.579, trong đó 40 người chết, tăng hai người so với hôm trước. Phần lớn các ca nhiễm mới được ghi nhận tại thủ đô Bangkok, trong đó có ba người từng đến Indonesia để tham gia buổi tụ họp tôn giáo hồi tháng 3.
Nguồn: Báo VnExpress