Kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến.

Mùa đông hơn 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và đúng 20h03 ngày 19/12/1946 tiếng súng từ pháo đài Láng báo hiệu cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu.

Thế chiến II – cuộc chiến khốc liệt nhất lịch sử nhân loại  /  Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến

Khu vực phố Hàng Đào, Cầu Gỗ (Hà Nội) năm 1946. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Khu vực phố Hàng Đào, Cầu Gỗ (Hà Nội) năm 1946. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Ngay sau khi thành lập ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Kinh tế kiệt quệ, kho bạc chỉ còn 1,2 triệu đồng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản Pháp. Quân đội Tưởng Giới Thạch mang tiền “quan kim” và “quốc tệ” sang tiêu gây rối loạn thị trường. Ngập lụt ở nhiều nơi, nạn đói hoành hành.

Việt Nam tuy giành được độc lập nhưng chưa nước nào công nhận. Từ vĩ tuyến 16 trở ra, gần 200.000 quân Tưởng lũ lượt kéo vào miền Bắc và câu kết với các đảng phái phản động Việt Quốc, Việt Cách cướp phá, bắn giết nhân dân. Ở Miền Nam, hơn 100.000 quân Anh mượn danh vào tước vũ khí Nhật, nhưng thực chất mở đường cho thực dân Pháp trở lại cướp Việt Nam một lần nữa. Trong khi đó lực lượng vũ trang của nhà nước non trẻ mới được xây dựng, còn rất nhỏ bé.

Ngày 23/9/1945, được quân Anh yểm trợ, Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn và một số nơi ở Nam Bộ, chính thức xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Khoảng 600.000 quân Nhật tuy chờ lệnh giải giáp nhưng một số đã dọn đường cho quân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ở miền Nam.

Cuối tháng 11/1946, quân Pháp đánh ra Bắc, chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và Đà Nẵng. Tại Hà Nội, ngày 17/12, chúng phá các công sự của quân dân thủ đô ở phố Hàng Bún – Yên Ninh, gây đổ máu ở khu vực cầu Long Biên, Cửa Đông. Một ngày sau, tướng Louis Morlière gửi cho Chính phủ Việt Nam tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, giải tán lực lượng tự vệ, bàn giao quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội.

Nếu các yêu cầu trên không được thực hiện, chậm nhất sáng 20/12/1946, quân Pháp sẽ hành động.

Bước chuẩn bị cuộc kháng chiến trường kỳ

Xác định “không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến, nhấn mạnh đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh. Cả nước chia thành 12 chiến khu, trong đó Hà Nội là chiến khu 11. Khu ủy, Ủy ban bảo vệ, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội được thành lập.

Đầu tháng 12/1946, các kho tàng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất vũ khí ở Hà Nội được chuyển về nông thôn, rừng núi, đề phòng chiến sự lan rộng. Các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy di chuyển lên An toàn khu Việt Bắc. Hà Nội biến thành trận địa, lực lượng vũ trang gồm 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn, 4 trung đội pháo binh và Tự vệ chiến đấu ở thành Hoàng Diệu, Tự vệ thành đào hào, đục tường thông nhà nọ sang nhà kia, đắp ụ chiến đấu.

Ngày 18-19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp, quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngày 19/12, trên căn gác xép của ngôi nhà ở làng Vạn Phúc, Hồ Chủ tịch đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và một ngày sau Đài tiếng nói Việt Nam phát đi.

“Hỡi đồng bào toàn quốc? Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Hồ Chủ tịch viết.

Kêu gọi “bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, dù phải gian lao kháng chiến, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Đúng 20h03 ngày 19/12/1946, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.

Trận địa Pháo Đài Láng, nơi nổ phát súng đầu tiên mở màn cho 60 ngày đêm giam chân địch trong lòng Hà Nội. Ảnh: Võ Hải.
Trận địa Pháo Đài Láng, nơi nổ phát súng đầu tiên mở màn cho 60 ngày đêm giam chân địch trong lòng Hà Nội. Ảnh: Võ Hải.

Khoảng 20h, đèn điện trong thành phố vụt tắt, pháo hiệu được bắn lên. Lúc này trận địa pháo từ nhiều hướng cùng quân dân trong thành đồng loạt nổ súng. Đứng từ trận địa pháo, nhìn vào thành phố chỉ thấy đỏ rực một góc trời”.

Cảm tử quân với bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt quân Pháp. Ảnh: Tư liệu.
Cảm tử quân với bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt quân Pháp. Ảnh: Tư liệu.

Phát đạn pháo mở màn cho 60 ngày đêm quân và dân Hà Nội chiến đấu với mục đích giam chân quân Pháp trong thành phố, tạo điều kiện cho Trung ương có đủ thời gian rút lên chiến khu an toàn, giúp cả nước chủ động chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Đã 70 năm trôi qua, nhưng hào khí của Lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn mãi trường tồn cùng lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, mãi mãi là lời hịch của non sông, một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử trong mọi thời đại, thể hiện ý thức sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và niềm tin mãnh liệt về con đường cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị, đanh thép, có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ. Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, tình thế hết sức hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc vào tâm khảm nhân dân ta, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam; là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trong cuộc đấu tranh chống kẻ xâm lược, không còn con đường nào khác ngoài việc dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng Khi đã buộc phải kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết động viên toàn dân đứng lên chiến đấu:

“Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của nhân dân ta: “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Kết thúc lời kêu gọi, Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin tất thắng:

“Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Có thể nói, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch hai tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12 giữa Thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm và sáng tạo.

Hơn 70 đã năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.

Ngày nay, Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác vẫn mãi giữ nguyên tính thời sự, đó là giá trị của niềm tin tất thắng, là ý thức sâu sắc giá trị độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sự nghiệp xây dựng CNXH còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công, nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh sẽ ngày càng khẳng định thế và lực quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế.

Kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng sức chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Công đoàn cơ sở
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố