Lo lắng về việc quay lại trường học trong bối cảnh COVID

Và rồi tất cả chúng ta sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường mới. Điều này có nghĩa là việc quay trở lại trường học chắc chắn được coi là một phần của cuộc sống như trước kia. Tuy nhiên, khi biến thể Delta tiếp tục gây ra sự gia tăng về số ca nhiễm bệnh, trẻ trong độ tuổi đi học ở khắp nơi phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, từ những câu hỏi về công tác tiêm chủng và đeo khẩu trang cho đến những lo ngại về việc học trực tuyến.

Và mặc dù đúng là hầu hết trẻ em nói chung có khả năng phục hồi nhanh, nhưng không phải vì vậy mà bỏ qua những bất ổn liên quan đến năm hoc mới sắp bắt đầu.

Sau đây là một số mẹo nhanh để phát hiện kịp thời và xoa dịu nỗi lo lắng khi con trẻ trong độ tuổi tiền thiếu niên sắp quay trở lại trường:

Nếu bạn không hỏi, con có thể không nói 

Điều quan trọng là bạn phải kiểm tra xem con của bạn đang cảm thấy như thế nào. Cách tiếp cận tốt nhất là tránh đặt câu hỏi có hoặc không. Thay vào đó, hãy thử đặt các câu hỏi giả định: ví dụ: “Năm nay thật khó khăn khi quay trở lại trường hơn vì chúng ta vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến COVID, con cảm thấy như thế nào?”

Bất kể câu trả lời của con bạn là gì, hãy sử dụng câu trả lời của con làm bàn đạp cho một cuộc trò chuyện tương tác. Nếu trẻ tỏ ra đặc biệt khó chịu hoặc cáu kỉnh trước và sau khi đi học về, có thể trẻ đang cảm thấy lo lắng. Nếu trẻ có vẻ bực bội hoặc con bạn trước giờ hiếu động nhưng nay bỗng trở nên im lặng, có thể trẻ đang bộc lộ nỗi tức giận bên trong một cách không thành lời. Không cần phải đoán; chỉ đơn giản là bạn nên nói chuyện với con mình.

Đừng cho rằng bạn biết cụ thể những gì con bạn lo lắng.

Như đã nêu ở trên, cách để khiến con nói chuyện là cha mẹ hãy xác nhận rằng sự lo lắng có tồn tại trong con bằng cách cha mẹ hãy đặt một câu hỏi giả định. Tuy nhiên, một khi bạn khiến con nói ra được, bạn có thể ngạc nhiên vì những mối quan tâm cụ thể của con. Trên tất cả, đừng cho rằng mối quan tâm của bạn là mối quan tâm của con mình.

Ví dụ, tôi đã nói chuyện với nhiều đứa trẻ không quan tâm đến việc chúng có phải đeo khẩu trang miễn là chúng được đến trường. Trong khi đó, các bậc cha mẹ nhiệt tình của họ đang tranh cãi với ban giám hiệu nhà trường rằng con họ không thể học nếu trong giờ học cũng luôn phải đeo khẩu trang. Một số trẻ phát triển tốt trong lớp học ảo, trong khi những trẻ khác lại học hành sa sút, vì vậy tình huống này hay tình huống khác sẽ tác động khác nhau đến chúng. Một số trẻ em hoàn toàn ổn khi đi học lại có hoặc không đeo khẩu trang, trong khi những đứa trẻ khác sợ hãi rằng chúng sẽ bị ốm trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ngoài COVID, trẻ còn lo lắng nhiều thứ khác trong mùa tựu trường, điều này cũng không nên bỏ qua.

Với tư cách là phụ huynh, bạn có thể có những lo ngại nhất định về COVID, chẳng hạn như liệu trường học của con bạn có yêu cầu trẻ phải đeo khẩu trang hay không. Và trong khi điều này có thể là mối quan tâm lớn của bạn, con bạn có thể tập trung vào những việc khác điển hình hơn khi trở lại trường học, chẳng hạn như phải đến lớp đúng giờ, đặc biệt là nếu chúng bắt đầu đi học ở một ngôi trường mới, trẻ sẽ lo lắng về tủ đựng đồ (tìm thấy chìa khoá và sau đó có thể mở nó ra), lo lắng về việc kết bạn mới, học cùng với thầy cô giáo mới v.v. Cách tốt nhất để hỗ trợ là tham gia vào các cuộc thảo luận tương tác với họ. Tập trung vào cả những điều họ đang mong đợi cũng như bất kỳ mối quan tâm hoặc tác nhân gây căng thẳng nào mà họ có thể gặp phải.

Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ.

Nếu bạn lo lắng về việc chúng trở lại trường học, chúng có thể cảm nhận được điều đó. Kết quả là, điều này có thể báo hiệu cho trẻ biết rằng trẻ phải lo lắng vì trẻ sẽ học và lặp lại những gì mà trẻ thấy. Do vậy, hãy cảm nhận sự lo lắng của chính bạn trước. Hãy chắc chắn rằng bạn có người hỗ trợ cho mình.

Đưa ra các chiến lược đối phó.

Trò chuyện với con để mở rộng thêm nhiều cách hữu ích để đối phó với sự lo lắng mà trẻ có thể gặp phải. Nếu trẻ cảm thấy thực sự quá tải, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia. Một số kỹ năng đối phó hữu ích là các chiến lược cụ thể để giải quyết một mối quan tâm cụ thể: Ví dụ: nếu chúng lo lắng về việc chuyển đến một trường mới, hãy xem liệu bạn có thể cùng tới và cùng đi thăm quan trường mới một vài ngày trước ngày khai giảng. Các kỹ năng đối phó tổng quát hơn có thể là các món đồ giúp làm giảm căng thẳng, chẳng hạn như quả bóng giảm căng thẳng hoặc đồ chơi cầm tay giảm căng thẳng. Hình của những người hoặc vật nuôi mà trẻ yêu thích là một cách hiệu quả để xoa dịu sự căng thẳng và giải quyết những bộn bề trong tâm trí để trẻ bình tĩnh hơn.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trên Thế giới và ở Việt Nam chúng ta vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên khi một năm học mới bắt đầu, chúng ta sẽ có rất nhiều điều để mong đợi. Bằng cách thừa nhận sự lo lắng mà con trẻ của bạn có thể gặp phải, bạn có thể đồng hành cùng với con để hướng dẫn và hỗ trợ.

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/lets-talk-tween/202109/back-school-angst-in-the-age-covid.