Hơn 74.000 người chết vì nCoV toàn cầu.

Toàn thế giới ghi nhận hơn 1,3 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 74.000 người chết vì Covid-19, trong đó Mỹ và châu Âu vẫn là điểm nóng.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.342.372 ca nhiễm và 74.558 ca tử vong do nCoV tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 72.303 và 5.249 so với hôm qua. 278.182 người đã hồi phục.

Bệnh nhân Covid-19 được nhập viện tại New York hôm 6/4. Ảnh: AFP.

Mỹ thông báo 364.723 ca nhiễm, tăng 29.199 trường hợp so với một ngày trước đó, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 1.219 người chết hôm qua, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 10.781.

New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ với hơn 131.000 ca nhiễm và 4.758 người chết. Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết tỷ lệ tử vong tại bang này không tăng trong hai ngày qua, nhưng lệnh đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ được kéo dài đến ngày 29/4. Chính quyền bang cũng tăng gấp đôi tiền phạt hành vi vi phạm cách biệt cộng đồng từ 500 lên 1.000 USD.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.029 ca nhiễm và 700 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 136.675 và 13.341. Nước này đang là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại. Tuy nhiên, tình trạng quá tải các nhà hỏa táng ở Barcelona cho thấy nước này cần thêm nhiều thời gian trước khi kiểm soát được dịch bệnh.

Italy ghi nhận thêm 3.599 ca nhiễm và 636 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên 132.547 và 16.523, tiếp tục là vùng dịch nhiều người chết nhất thế giới. Số người chết đã tăng trở lại sau nhiều ngày giảm liên tục, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang hy vọng dịch bệnh hạ nhiệt.

Chính phủ Italy hôm qua cũng công bố gói giải cứu kinh tế trị giá 430 tỷ USD nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng vì lệnh phong tỏa kéo dài một tháng và có thể được duy trì trong nhiều tuần tới.

Đức là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với 102.403 người dương tính nCoV và 1.735 người chết, tăng lần lượt 2.280 và 151 so với hôm trước. Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).

Anh ghi nhận thêm 451 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 5.385, trong tổng số 52.276  ca nhiễm. Thủ tướng Anh Boris Johnson phải vào phòng chăm sóc tích cực do tình trạng chuyển biến xấu đi sau một ngày nhập viện. Bạn gái đang mang thai của ông cũng mới được xác nhận nhiễm loại virus này.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 60.500 ca nhiễm và 3.739 người chết. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm qua khẳng định nước này quyết không nhờ Mỹ giúp chống dịch bệnh, nhưng kêu gọi Washington dỡ bỏ toàn bộ biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Trung Quốc thông báo nước này lần đầu tiên không báo cáo thêm ca tử vong mới sau 24 giờ kể từ khi Covid-19 bùng phát. 31 tỉnh thành xác nhận 32 ca nhiễm nCoV mới, toàn bộ là ca ngoại nhập.

Trung Quốc đến nay ghi nhận tổng cộng 81.740 ca nhiễm, trong đó 3.331 người chết và 77.167 người đã hồi phục. Trung Quốc xác nhận 698 ca ngoại nhập, trong đó có 21 bệnh nhân nguy kịch.

Hàn Quốc chưa công bố số liệu.

Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 3.793 ca nhiễm và 62 người chết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Covid-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới.

Indonesia là nước có số người chết cao nhất khu vực với 209 trường hợp, tăng 11 trường hợp so với hôm trước, số ca nhiễm là 2.491. Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai với 66 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.375, nhưng chưa ghi nhận thêm ca tử vong nào.

Nguồn: Báo VnExpress