Hỗ trợ tâm lý trong ngày đầu tiên đi học mẫu giáo

“Ngày đầu tiên đi học
Mẹ dắt tay đến trường
Em vừa đi vừa khóc
Mẹ dỗ dành yêu thương”

Ngày đầu tiên đi học nhà trẻ hay mẫu giáo luôn là trải nghiệm đáng nhớ của cả gia đình đồng thời đánh dấu cột mốc quan trọng ở trẻ. Đây là bước khởi đầu cho việc tạm chia tay ngôi nhà thân thương và làm quen với môi trường mới nơi có bạn bè và thầy cô. Với một số bạn nhỏ, trẻ không gặp nhiều khó khăn với sự thay đổi này. Trong khi đó, đây lại là vấn đề “đau đầu” của nhiều gia đình khác. Dù thế nào đi chăng nữa, việc quan tâm đến những ngày và tuần đầu tiên đi học đóng vai trò vô cùng cần thiết cho sự thích ứng và phát triển của trẻ trong tương lai.

“Con không thích đến trường”
Trước tiên, gia đình cần nhận thức về lý do vì sao việc chuyển đổi sang môi trường mẫu giáo có thể gây những lo lắng và xáo trộn cho trẻ. Ở những nghiên cứu tâm lý phát triển trong giai đoạn ấu thơ, các nhà tâm lý học John Bowlby và Mary Ainsworth đã chứng minh ba mẹ hay người chăm sóc chính đóng vai trò như một nền tảng an toàn đối với trẻ. Nhu cầu gắn bó này như một cơ chế sống còn giúp trẻ tìm kiếm cảm giác yêu thương. Chính vì thế, việc đến trường đòi hỏi trẻ rời khỏi “chỗ dựa an toàn” của mình và đến môi trường xa la, điều này có thể tạo ra sự lo âu nơi trẻ. Bên cạnh đó, việc học mẫu giáo còn mang lại nhiều thay đổi về môi trường, lịch sinh hoạt và thử thách mới bao gồm những yêu cầu xã hội trong quy mô lớp học lớn hơn với ít người lớn và nhiều tương tác đồng trang lứa hơn. Vì thế, để hỗ trợ trẻ điều chỉnh trong giai đoạn này, dưới đây là một số hoạt động trước, trong và sau ngày đầu tiên đến trường phụ huynh có thể tham khảo nhằm gia tăng khả năng thích ứng của trẻ.

Cùng con tự tin đến trường
Trẻ nhỏ cần thời gian nhất định để làm quen với việc đi học trước khi thực sự đến trường. Để trẻ dễ dàng hình dung về khung cảnh, sinh hoạt trong lớp học đồng thời chuẩn bị tâm thế thích nghi tốt hơn, phụ huynh có thể dẫn con tham quan trường lớp, kể cho trẻ về những hoạt động sẽ diễn ra trong trường: chơi cùng bạn bè, học múa hát cùng cô giáo,… hoặc cùng trẻ đọc sách, tranh ảnh về chủ đề trường lớp. Trẻ cũng cần biết về những thay đổi sẽ diễn ra trong thời khóa biểu, lịch sinh hoạt và làm quen với điều đó trước khi đến trường. Khi đó, phụ huynh có thể cùng trẻ chơi trò chơi giả vờ chuẩn bị đến trường và thực hiện các hoạt động như thức dậy, mặc quần áo, ăn sáng và chuẩn bị cặp xách đến lớp,… Khi trẻ nhận thức được thời khóa biểu của mình và biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn và ít căng thẳng hơn. Các hoạt động này cần được duy trì đều đặn mỗi ngày hoặc mỗi tuần nhằm đảm bảo tính ổn định và thân thuộc với trẻ. Ngoài ra, trẻ có thể cùng gia đình mua sắm trang phục và đồ dùng chuẩn bị đi học. Trẻ cũng có thể tự chuẩn bị đồ vật quen thuộc từ nhà đến lớp, chẳng hạn như thú nhồi bông, chăn hoặc đồ chơi nhỏ (không gây tiếng ồn),…
Trong những ngày đầu đến trường, phụ huynh có thể cùng trẻ thực hiện một số “thủ tục tạm biệt” như vẫy tay, ôm, hôn gió,… Điều này góp phần xoa dịu trẻ, rằng trẻ vẫn được yêu thương và bắt đầu ngày mới một cách tích cực hơn. Việc trấn an, khẳng định rằng ba mẹ sẽ quay lại đón trẻ khi hết giờ học và thực hiện đúng cam kết với con đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xoa dịu nỗi lo của trẻ. Khi ba mẹ càng bình tĩnh và yên tâm về lựa chọn gửi con vào trường mầm non bao nhiêu thì trẻ sẽ càng tự tin bấy nhiêu. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng lưu ý về mối quan hệ của trẻ và các bạn đồng trang lứa. Việc xây dựng tình bạn với các bạn trong lớp sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và có thể dễ dàng hòa nhập với môi trường học tập hơn. Hãy để trẻ tự khám phá, quan sát lớp học và lựa chọn xem có nên tương tác với bạn khác hay không. Điều này giúp trẻ làm quen với lớp học và cho phép con khám phá những món đồ chơi mới mà con sẽ chơi khi bắt đầu học. Ngoài ra, sau giờ học, phụ huynh cần lưu ý tập trung những mặt tích cực ở lớp, mối quan hệ và những hoạt động vui chơi thoải mái trong trường học và tránh hù dọa, gây ấn tượng không tốt cho trẻ.
Ngày đầu tiên đến trường là thời khắc chuyển giao đầy ý nghĩa trong quá trình trưởng thành của con cái. Trong đó, vai trò của gia đình, nhà trường và mối quan hệ tích cực giữa gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng giúp quá trình này diễn tiến một cách thuận lợi.

Tài liệu tham khảo
(1) National Association for the Education of Young Children. (2009). Developmentally Appropriate Practice in Early Childhood Programs Serving Children from Birth through Age 8 from https://www.naeyc.org
Bilich, K. A., Cohen I. & Koenig, R. (2020). 18 Tips for Overcoming Separation Anxiety on the First Day of Preschool from https://www.parents.com/toddlers-preschoolers/starting-preschool/separation-anxiety/overcoming-separation-anxiety/
Tours, S. B. & Dennis, L. R. (2015). Easing First Day Jitters: Strategies for Successful Home-to-School Transitions from https://www.naeyc.org/resources/pubs/yc/sep2015/easing-first-day-jitters
Hoffses, K. (2018). Helping Your Child Adjust to Preschool from
https://kidshealth.org/en/parents/adjust-to-preschool.html
Ketchell, M. (2017). Five steps to prepare your child for kindergarten from https://theconversation.com/five-steps-to-prepare-your-child-for-kindergarten-81017

Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi
Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố