Đôi nét về loài rắn hổ bướm

Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố vừa tiếp nhận và điều trị thành công  một trường hợp bị rắn hổ bướm cắn. Bé trai H.P.M, 13 tuổi, đang học lớp 7, sống tại Tri Tôn, An Giang khi đi đốn chuối về bán phụ giúp gia đình thì bị rắn cắn tại bàn tay trái, vết cắn sưng nề và chảy máu, sau đó gia đình có đưa đi đắp thuốc nhưng vết thương nhiễm trùng và có hoại tử bóng nước lan rộng nên bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố vào ngày thứ 6 sau khi bị rắn hổ bướm (người dân nơi đây gọi) cắn. 

Xét nghiệm : HCT 23.3%
Đông máu toàn bộ:  PT > 100 giây
APTT > 120 giây
INR >9.09
Fibrinogen < 0.8g/l

Xử trí: Truyền máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, huyết thanh kháng nọc rắn lục tre, kháng sinh
Sau đó kiểm tra lại: HCT 32.2%
Đông máu toàn bộ: PT   13.7 giây
APTT   31.7 giây
INR   1.24
Fibrinogen  1.24g/l

Tình trạng bé ổn dần và xuất viện
Tình trạng bé ổn dần và xuất viện

Rắn cắn là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều trên thế giới, ước tính 138.000 trường hợp mỗi năm chủ yếu ở Châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á. Chúng ta thường nói đến rắn lục, rắn hổ mang, rắn chàm quạp hay cạp nong, cạp nia còn rắn hổ bướm ít được nói đến. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về loại rắn hổ bướm.

I.ĐẠI CƯƠNG

  • Rắn hổ bướm hay còn gọi là rắn lục Russell. 
  • Tên tiếng anh: Eastern Russel’s viper
  • Tên khoa học: Daboia siamensis
  • Có phân bố rộng khắp Đông Nam Á và Nam Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại D. siamensis là loài rắn gây ra tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao ở Myanmar, Thái Lan và một số đảo của Indonesia như Java, Komodo, Flores và Lomblen.

II.ĐẶC ĐIỂM

Về tổng quan, cơ thể của loài rắn hổ bướm có dạng dài, mập, được phủ một lớp vảy gờ có màu nâu hoặc nâu xám, đôi khi hơi ngả sang màu da cam, có ba dải hoa văn màu nâu sẫm hoặc nâu đen chạy dọc cơ thể, bắt đầu từ phần cổ đến tận phần chóp đuôi, gồm một dải hoa văn hình mắt xích chạy dọc sống lưng và hai dải hoa văn gồm các đốm hình elip chạy dọc 2 bên sườn.

Chiều dài trung bình của loài này rơi vào khoảng 120 cm, chiều dài cực đại có thể lên đến 166 cm. Phần đầu của loài rắn hổ bướm có hình tam giác, phân biệt rõ với phần cổ, đây là một trong những đặc điểm đặc trưng của các loài rắn thuộc họ Rắn lục. Đồng tử của loài rắn này có hình elip, thuận lợi cho việc phục kích con mồi và hoạt động vào ban đêm. Răng nanh tiêm độc của loài này có chiều dài trung bình có thể lên đến 1,65 cm. 

III. TRIỆU CHỨNG

  • Các triệu chứng bắt đầu bằng cảm giác đau tại vị trí vết cắn, ngay sau đó là sưng nề ở chi bị ảnh hưởng.
  • Chảy máu là một triệu chứng thường gặp, đặc biệt là từ nướu và  nước tiểu trong vòng 20 phút sau khi vết cắn có thể gây huyết áp giảm và nhịp tim giảm.
  •  Vết bóng nước xảy ra tại vị trí vết cắn, phát triển dọc theo chi bị ảnh hưởng trong trường hợp nghiêm trọng. Hoại tử thường ở bề ngoài và giới hạn ở các cơ gần vết cắn
  • Nôn ói và sưng mặt xảy ra trong khoảng một phần ba tổng số trường hợp.
  • Suy thận cũng xảy ra ở khoảng 25–30 %  nếu không được điều trị. 
  • Đông máu nội mạch lan tỏa nghiêm trọng cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân nặng.

 Tiếp cận và điều trị sớm với thuốc kháng nọc độc có thể ngăn ngừa và giảm đáng kể nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng / có thể gây chết người.

  • Cơn đau có thể kéo dài trong 2-4 tuần. Thông thường, sưng nề tại vết cắn đạt đỉnh điểm trong vòng 48–72 giờ, thậm chí 1-2 giờ nếu vết cắn lớn. Sự đổi màu có thể xảy ra khắp vùng bị sưng do các tế bào hồng cầu và huyết tương rò rỉ vào mô cơ
  • Tử vong do nhiễm trùng huyết hoặc suy thận, hô hấp hoặc tim có thể xảy ra sau 1 đến 14 ngày sau vết cắn hoặc muộn hơn.

IV.CÁCH SƠ CỨU

Nếu bị rắn độc cắn, cần ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu đã được dự trữ sẵn, đặc biệt khi là thấy vết thương có dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng hoặc đau.

Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, nên thực hiện các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn sau đây để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể:

  • Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn;
  • Giữ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc
  • Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên
  • Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện;
  • Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý
  • Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

Để bảo vệ tính mạng của bản thân và những người xung quanh, cần ghi nhớ một số lưu ý trong cách xử lý khi bị rắn cắn như sau:

  • Không sử dụng băng garo cột chặt vào vùng bị cắn, cách này vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử, rất nguy hiểm
  • Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây… lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ
  • Không rạch, đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc vì có thể sẽ khiến nhiễm trùng nặng hơn.
  • Tránh dùng thức uống có chứa caffeine hoặc rượu vì chúng có thể làm tăng tốc độ hấp thụ nọc độc của cơ thể
  • Không nên cố bắt con rắn. Thay vào đó nên ghi nhớ màu sắc, hình dạng và phương thức tấn công của chúng để có thể mô tả với bác sĩ, thông tin này sẽ có ích trong điều trị. Nếu có điện thoại thông minh bên mình và thuận tiện, hãy chụp ảnh con rắn từ khoảng cách an toàn để giúp việc nhận dạng được dễ dàng hơn.

V.ĐIỀU TRỊ

Trong tất cả các trường hợp bị rắn tấn công, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Quá trình xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và theo dõi tại bệnh viện phải được tiến hành ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu để lâu thì kết quả điều trị sẽ rất kém hoặc không hiệu quả.

VI.PHÒNG NGỪA CHUNG

  • Tránh bắt rắn
  • Mang ủng, quần dày và găng tay nếu tới những nơi có thể có rắn.
  • Nếu thấy rắn trong tự nhiên, bạn hãy để rắn tự đi chứ không nên chọc phá hay bắt rắn
  • Tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm hoặc nhiều đá.

Phòng Điều dưỡng
Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố