Đền ơn đáp nghĩa

Những năm qua, Đảng và nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Để nhân dân ta bày tỏ sự biết ơn đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng Đảng và nhà nước ta đã lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày “Thương binh liệt sĩ”.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, với các tên gọi “Ngày Thương binh toàn quốc”, “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới), nhưng đúng như mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” ngày 27 tháng 7, trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.

Năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ” để thể hiện đầy đủ tình cảm, đạo lý, nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta và các thế hệ người Việt Nam đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Ngày Thương binh – Liệt sĩ đã đi vào lịch sử đất nước ta là ngày lễ lớn, hội tụ đầy đủ ý nghĩa chính trị, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta, nhân dân ta. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục ghi nhận, tôn vinh các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017) Công đoàn cơ sở Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố kết hợp cùng Đoàn TNCS Hô Chí Minh một số cơ quan đơn vị như Đoàn TNCS HCM Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Từ Dũ đã đến thăm và tặng quà các mẹ Việt Nam Anh Hùng tại Huyện Củ Chi:  Mẹ Bùi Thị Kim tại Ấp Gò Nổi A Xã Nhơn Nhơn Tây, mẹ Nguyễn Thị Thời tại Ấp Xóm Trại Xã An Nhơn Tây, mẹ Đặng Thị Thu Ấp Bàu Cạp Xã Nhuận Đức. Ngoài ra Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cũng đã thăm hỏi và chăm lo cho 05 đối tượng là con thương binh hiện đang công tác tại Bệnh viện.

70 năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội đã phát động sâu rộng trong nhân dân thực hiện tốt việc “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, điển hình như các phong trào: Xây dựng nhà tình nghĩa cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sửa chữa và làm mới tặng cho các đối tượng gia đình chính sách thương bệnh binh; tặng sổ tiết kiệm; thường xuyên tổ chức thăm hỏi tăng quà cho thân nhân người thương bệnh binh gia đình chính sách nhân các dịp lễ tết, nhận phụng dưỡng hàng chục Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ liệt sĩ già yếu neo đơn; đỡ đầu con liệt sĩ; thực hiện tốt các chính sách xã hội ưu tiên đối với con liệt sĩ, thương bệnh binh…Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên, khích lệ kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội như lời Bác Hồ đã từng dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Đây cũng là dịp để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước luôn dành những tình cảm thiêng liêng nhất để tưởng nhớ, biết ơn những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để cho mỗi chúng ta có được cuộc sống thanh bình và hạnh phúc ngày hôm nay.

BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ