Can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển tại nhà – Kỹ năng giao tiếp sớm – Kỳ 2

Trong bối cảnh đại dịch Covid hoành hành, nhiều trường chuyên biệt phải tạm ngưng hoạt động. Cha mẹ hoặc người chăm sóc chính là những thầy cô thay thế để giúp con em mình rèn luyện những kỹ năng giao tiếp sớm. Đó chính là nền tảng giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và tương tác.

Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố xin trích đăng các bài tập trị liệu phát triển kỹ năng Giao tiếp sớm để phụ huynh tham khảo và hướng dẫn trẻ tại gia đình.

KỸ NĂNG CHÚ Ý

Nhiều trẻ nhỏ chú ý trong thời gian ngắn, và những trẻ khó khăn giao tiếp có thể có những vấn đề về sự tập trung. Trong khi đó, thời gian chú ý tốt nhất cần thiết trước khi trẻ có thể bắt đầu hiểu ngôn ngữ. Vì thế, phụ huynh nên làm việc trên sự chú ý nhằm mục đích kéo dài thời gian trẻ có khả năng tập trung trên một sinh hoạt. 

Những ý tưởng dưới đây cho thấy một đồ chơi có thể được dùng với nhiều cách khác nhau để kéo dài sự quan tâm của trẻ. Phụ huynh hãy cố gắng tập cho trẻ nhìn vào mắt của mình để gia tăng sự chú ý.

Các trò chơi tăng chú ý:

Bong bóng: Phụ huynh thổi bong bóng lên và thả bóng để trẻ nhìn theo; Cha mẹ còn thể để bóng xì hơi vào người trẻ để trẻ cảm nhận hơi thoát ra khỏi bóng; 

Các hình thức khác có thể là ném và chụp bóng; Vẽ hình mặt người lên bóng; Bóp bóng.

Các thùng giấy/ nhựa/ kim loại:  Cho trẻ tập đếm số lượng các thùng; Xây tháp với cách khác nhau; Lựa chọn màu cho vào thùng;

Nếu trẻ nhận thức tốt hơn, cha mẹ còn có thể giấu đồ vật trong đó và chơi trò luyện trí nhớ; 

Khi đi tắm, nếu có không gian, cha mẹ hãy cùng trẻ chơi với các thùng trong nhà tắm, bồn tắm.

Hạt cườm hoặc nút áo: Bạn chuẩn bị các hạt nút lớn và dân để làm dây chuyền bằng cách xâu hạt; 

Phụ huynh cũng có thể cho trẻ tập lựa phân loại hạt theo màu, hình dạng và kích cỡ; 

Các trò chơi khác với hạt có thể là đổ các hạt vào chậu và lắc; Sắp xếp theo kiểu mẫu (vd: theo thứ tự màu sắc đỏ – vàng- xanh – đỏ…).

Lưu ý: cần có phụ huynh giám sát trẻ khi chơi với hạt. Nên lựa chọn trò chơi phù hợp với đặc điểm, độ tuổi trẻ để phòng tránh nguy cơ trẻ bỏ hạt vào miệng.

Hộp kỳ diệu: Bạn để một đồ vật con quan tâm (như con rối tay, trái táo, bột làm bánh, đồ chơi phát tiếng nhạc…) vào trong hộp rồi từ từ mở nắp hộp. Sau đó, bạn cầm tay con đặt vào hộp và sờ chạm, cảm nhận món đồ. Tiếp theo, hãy khuyến khích con lấy đồ vật ra và chơi với nó.

Nặn bột làm bánh: Hãy tập cùng trẻ nhào bột làm bánh thành khối dẻo. Sau đó bạn cùng con nặn các hình thú lạ mắt mà con yêu thích. Nhớ giữ vệ sinh để có thể làm chín thành quả trở thành một bữa ăn ngon cho con nhé.

Trò chơi lắp ráp: Ngoài việc cùng trẻ lắp ráp thông thường, ba mẹ có thể cho trẻ quan sát các mảnh ghép, sau đó giấy 1 mảnh ghép và hỏi trẻ xem mảnh ghép nào còn thiếu. Bạn cũng có thể giấu 1 mảnh ghép trong một bàn tay và khuyến khích trẻ đoán xem đồ vật đang ở trong tay nào.

Ngoài ra, còn rất nhiều các hoạt động khác gây được sự quan tâm chú ý của trẻ lên bạn. Phụ huynh nên dành thời gian ngồi chơi cùng trẻ đế nhận ra đâu là hoạt động và đồ chơi trẻ yêu thích. Từ đó, phụ huynh có thể linh hoạt dùng chính những hoạt động, trò chơi đó để tương tác và gây chú ý với con. 

Chuyên gia Tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo
Kỹ năng Giao tiếp sớm – Charlotte Lynch, Julia Cooper do Bs Phạm Ngọc Thanh dịch.