Can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển tại nhà – Kỹ năng giao tiếp sớm – Kỳ 1

Một trong những khó khăn thường gặp của trẻ về mặt phát triển làm nhiều phụ huynh lo lắng là tình trạng chậm nói. Trẻ chỉ xác định biết nói khi tự nói (không chỉ lặp lại theo ba mẹ) và nói đúng hoàn cảnh. Nếu trẻ đã hơn 18 tháng nhưng chưa nói từ đầu tiên có thể xem là dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ. 

Có rất nhiều nguyên nhân tâm lý – phát triển làm cho trẻ chậm nói như rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, tự kỷ, chậm phát triển… Việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý để thăm khám, đánh giá là điều cần thiết để định hướng phát triển phù hợp. Nhiều dữ liệu lâm sàng cho thấy trước 03 tuổi là thời gian vàng để can thiệp cho trẻ có các vấn đề rối loạn. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid hoành hành, nhiều trường chuyên biệt phải tạm ngưng hoạt động. Cha mẹ hoặc người chăm sóc chính là những thầy cô thay thế để giúp con em mình rèn luyện những kỹ năng giao tiếp sớm. Đó chính là nền tảng giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và tương tác. 

Đơn vị Tâm lý- Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố xin trích đăng các bài tập trị liệu phát triển kỹ năng Giao tiếp sớm để phụ huynh tham khảo và hướng dẫn trẻ tại gia đình.

Lời khuyên để làm việc với con bạn

  1. Thành lập một thói quen để làm việc với con bạn. Hãy quy định giờ trong ngày để làm việc chung khi trẻ không mệt hoặc không đói.
  2. Chọn thời điểm thích hợp cho bạn cũng như cho trẻ. Điều quan trọng là bạn cũng cảm thấy tỉnh táo và thư giãn.
  3. Nếu bạn có nhiều hơn một con, điều quan trọng là chúng tập chơi với nhau. Tuy nhiên, một trẻ có khó khăn giao tiếp có thể đòi hỏi nhiều và có thể làm việc tốt hơn nếu trẻ ở một mình với bạn. Hãy thử bố trí để có giờ làm việc với trẻ khi các trẻ khác đi ngủ hoặc vắng nhà.
  4. Hai đợt chơi ngắn khoảng 10 – 15 phút có thể phù hợp cho bạn hơn là một đợt dài.
  5. Hãy ở ngang tầm với con bạn để trẻ có thể nghe và thấy bạn tốt nhất. Bạn có thể thích làm việc trên một bàn thấp, ngồi đối diện với nhau.
  6. Hãy giữ vài món đồ chơi đặc biệt bên cạnh trong các giờ dạy.
  7. Chỉ nên có một món đồ chơi ở một thời điểm để chơi với trẻ. Hãy dẹp mọi đồ chơi khác gây chia trí.

KỸ NĂNG TIẾP XÚC MẮT
Nhiều trẻ rất nhỏ với khó khăn giao tiếp có thể tiếp xúc mắt kém. Tiếp xúc mắt tốt quan trọng cho sự tương tác xã hội bình thường.
Tiếp xúc mắt kéo dài giúp trẻ có thêm thông tin về ngôn ngữ qua nét mặt và cử chỉ hoặc dấu hiệu.
Khi làm việc trên sự tiếp xúc mắt, bạn hãy để đồ chơi gần mặt bạn để khuyến khích trẻ nhìn bạn. Nếu trẻ nhìn hướng khác, bạn dựng sinh hoạt và gọi con bạn trước khi bắt đầu lại.
Bạn cố động viên con bạn muốn nhìn bạn, nhưng đừng bao giờ ép buộc trẻ.

Các trò chơi gia tăng tiếp xúc mắt
Trò chơi ú òa
Trò ú òa có thể được chơi sau bàn ghế, màn, hoặc một người khác, dưới bàn, hoặc khi mặc quần áo.

Trò chơi banh
Chuyền chậm quả banh từ trái sang phải để con bạn có thể theo dõi banh với đôi mắt trẻ. Cho banh biến mất sau lưng bạn hoặc sau đầu bạn và chờ sự tiếp xúc mắt.
Khi chơi ném và chụp banh, bạn hãy chờ con bạn nhìn bạn trước khi ném banh, hoặc giấu banh sau lưng bạn cho đến khi trẻ tiếp xúc mắt với bạn.

Mặt nạ
Làm mặt nạ bằng dĩa giấy và cắt lỗ cho mắt, mũi, miệng. Dùng mặt nạ để chơi trò ú òa. Đặt lưỡi bạn qua lỗ dành cho miệng

Đồ chơi có tiếng kêu
Cầm một đồ chơi có tiếng kêu gần mặt bạn và bóp để có tiếng động. Ngừng tiếng động và chờ đợi sự tiếp xúc mắt trước khi bạn tiếp tục lại.

Khăn choàng
Bạn đặt khăn choàng có màu lên vai bạn và chơi trò ú òa.

Hộp bánh kỳ thú
Bạn thử kéo sự chú ý của con bạn bằng cách đặt hộp bánh lên mắt bạn và chơi ú òa.

Kính râm
Bạn thử mang kính râm vô và lấy kính ra để động viên con nhìn bạn.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:
Kỹ năng Giao tiếp sớm – Charlotte Lynch, Julia Cooper do Bs Phạm Ngọc Thanh dịch.