Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống ảnh hưởng đến hành vi của trẻ 

Cha mẹ luôn mong muốn những đứa con của mình, có những năm tháng tuổi thơ vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, các em cũng có thể gặp những căng thẳng như người lớn, tùy thuộc vào hoàn cảnh. Mỗi đứa trẻ phản ứng khác nhau với những sự kiện căng thẳng, cho dù đó là ly hôn, cái chết của người thân trong gia đình, khó khăn trong trường học hoặc thiên tai, dịch bệnhTrẻ cần sự giúp đỡ của cha mẹ để xử lý căng thẳng này. Bước đầu tiên với tư cách là cha mẹ, là nhận ra những dấu hiệu cảnh báo rằng trẻ đang gặp khó khăn.

Nếu một ngày nào đó đứa con ngoan hiền của cha mẹ đột nhiên nổi cơn thịnh nộ hoặc gặp rắc rối ở trường, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang căng thẳng

Các dấu hiệu hành vi cho thấy một đứa trẻ đang trải qua căng thẳng bao gồm giận dữ, tách biệt, hành vi hung hăng ,quấy khóc, thách thức và giằng co. Cũng có một số dấu hiệu hành vi như: ăn tóc, đái dầm, phàn nàn về các cơn đau thể chất như đau bụng, đau đầu, khó thở và các vấn đề học tập. Ngoài việc tìm hiểu nguyên nhân của hành vi này đến từ đâu và giải thích trẻ có thể không tuân theo các quy tắc. Điều quan trọng là thừa nhận cảm xúc của trẻ, và trao đổi với trẻ có nhiều cách lành mạnh để đối phó với những cảm xúc không thoải mái. Dạy trẻ những cách thích hợp để đối phó với lo lắng, thất vọng và tức giận. Hãy thể hiện nhu cầu tình cảm với trẻ, cho trẻ thấy tình yêu thương nhiều hơn trong giai đoạn căng thẳng này.

Khi người lớn tìm các hoạt động để giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống của mình như: tập thể dục, thiền, nghe nhạc, vẽ, hát, múa,…Tất cả những ý tưởng này cũng có thể được áp dụng cho trẻ. 

Đôi khi, trẻ có thể không muốn nói chuyện với cha mẹ – nhưng chỉ cần ở cùng phòng với nhau cũng đủ cho trẻ thấy rằng cha mẹ đang quan tâm trẻ. Dành thời gian cho nhau đặc biệt quan trọng nếu tình huống căng thẳng có liên quan đến ly hôn hoặc cái chết.

Nếu căng thẳng bắt nguồn từ sự lo lắng về những điều chưa biết – chẳng hạn như chuyển đến một thành phố mới hoặc bắt đầu ở một trường học mới – hãy giúp trẻ hiểu điều gì sẽ xảy ra. Trao đổi về những điều sẽ xảy ra và chuẩn bị cho trẻ những gì tốt nhất có thể, bằng cách xem các bức tranh về thành phố mới hoặc chơi trên sân chơi tại một trường học mới trước khi nhập học.

Cha mẹ có thể nghĩ rằng cho trẻ xem TV để thư giãn là một giải pháp tuyệt vời. Nhưng xem TV hoặc chơi trò chơi điện tử không thực sự thư giãn. Trẻ em phản ứng tốt hơn với các kỹ thuật thư giãn chủ động hơn – chẳng hạn như tập thể dục hoặc thiền. Khi cha mẹ cho phép thời gian sử dụng thiết bị, hãy lưu ý đến một số chương trình thực sự có thể khiến trẻ căng thẳng hơn. Ví dụ, tin tức buổi tối chứa đầy những câu chuyện về thảm họa thiên nhiên và tội phạm bạo lực. Đảm bảo thời gian sử dụng thiết bị của trẻ chỉ bao gồm nội dung phù hợp với lứa tuổi.

Cha mẹ có thể có các kỹ năng cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến căng thẳng. Tuy nhiên, nếu cha mẹ cảm thấy nhiều lo lắng, đừng ngại tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Các cuộc gặp gỡ các chuyên gia sức khỏe tâm thần để trao đổi, thảo luận, lên kế hoạch để ứng phó với các sự kiện đó, giúp trẻ trở lại cuộc sống vui vẻ, tự tin và hạnh phúc trong cuộc sống.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Tài liệu tham khảo:

  1. Life Events as Stressors in Childhood and Adolescence | SpringerLink
  2. https://www.verywellfamily.com/how-stressful-life-events-affect-a-childs-behavior